Đau vã mồ hôi
Hiện tượng cương cứng, đau ngực xảy ra với nhiều bạn trẻ trước mỗi kỳ kinh nguyệt. Có người, chỉ là những cơn đau thoảng qua, ngực hơi căng so với bình thường, nhưng với nhiều người, nó thực sự là một cực hình.
Thời sinh viên, cứ mỗi tháng, trước kỳ kinh nguyệt 3 ngày, Hồng Sam đều phải trốn biệt ở nhà 3 ngày, bất kể đó là ngày đi học, thậm chí là ngày thi. Vì mỗi lần như thế, cô không chỉ đau ngực mà còn bị những cơn đau bụng hành hạ đến nổi da gà, vã mồ hôi. Thường chỉ khi nào ngủ thiếp đi, cô mới thấy đỡ đau.
Có lần, vì dính đúng vào ngày thi, Sam cố gắng đến lớp. Nhưng giữa buổi, các bạn đã vội khiêng cô xuống phòng y tế của trường vì thấy Sam ngục đầu xuống bàn, nổi da gà, người mướt mồ hôi nên tưởng cô bị cảm.
Đến khi đi làm, Sam được chị bạn cùng phòng mách uống một loại thuốc nội tiết tố sẽ giảm được hiện tượng đau bụng, đau ngực dữ dội. Từ đó, cứ gần đến ngày kinh, cô lại uống loại thuốc này và cơn đau chỉ còn hơi âm ỉ.
Hà Linh cũng vậy, khi uống thuốc, ngực cô không còn cứng như đá, cũng không đau tới mức chảy nước mắt mỗi khi đi lại. Từ đó, Linh gắn bó với loại thuốc này mỗi khi gần đến tháng.
Thuốc nội tiết tố giảm đau: Con dao hai lưỡi
TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, bệnh viện K Hà Nội cho biết, hiện tượng đau ngực, đau bụng trước kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường. Vì tuyến vú chịu tác động của nội tiết, khi mà nội tiết trong cơ thể thay đổi thì tuyến vú cũng phải thay đổi theo.
Đa số phụ nữ có những bất ổn trước kỳ kinh với các biểu hiện thường thấy nhất là cương ngực, đau đầu vú, đau đầu, chướng bụng, phù nước, mệt mỏi, toàn thân cảm thấy nặng nề; thay đổi thói quen đại tiện; nổi mụn trứng cá….
Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì quá đau ngực, đau bụng nên khi đi khám, bác sĩ có kê loại thuốc nội tiết tố uống để giảm đau. Và rất nhiều người bệnh, cứ sẵn đơn thuốc của bác sĩ, chỉ hơi đau bụng, cương cứng ngực cũng uống cho dễ chịu. Thậm chí, nhiều người tự ý mua các loại thuốc này về để uống mỗi khi gần đến kỳ kinh khó chịu. Điều này rất nguy hiểm!
“Khi uống loại thuốc nội tiết tố, hiện tượng đau ngực, đau bụng sẽ giảm nhưng nó lại gây ra hiện tượng rong kinh. Nguy hiểm hơn, nếu quá lạm dụng những loại thuốc này có thể gặp nhiều rắc rối”, TS Tuyên cảnh báo.
Vì kinh nguyệt xuất hiện là do vào cuối chu kỳ, lượng hoóc môn oestrogen do buồng trứng tiết ra giảm mạnh, khiến nội mạc tử cung bong ra, gây chảy máu. Nếu lượng oestrogen vẫn cao vào những ngày cuối chu kỳ, hiện tượng hành kinh sẽ không xảy ra. Do đó, nếu dùng thuốc nội tiết tố liều cao sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nguy hiểm hơn, nếu quá lạm dụng thuốc, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng.
Trên thực tế, việc dùng các thuốc nội tiết tố luôn được các chuyên gia cảnh báo nên hạn chế tới mức tối đa, chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Vì đưa quá nhiều nội tiết tố vào cơ thể có thể gây các bệnh nguy hiểm như rối loạn sản xuất hóc môn, ung thư…
Một trong những lời khuyên để phòng bệnh ung thư luôn được các bác sĩ đưa ra, đó là hạn chế sử dụng các loại thuốc nội tiết tố.
Hồng Hải (Dân trí)
Bình luận (0)