Ảnh: I.T |
Thấy bé Ti nhà mình không được nhiều điểm 10 như cu Bin nhà hàng xóm, mỗi khi dạy con học, chị Thương (P.2, Q.Tân Bình) lại mắng: “Sao mày ngu thế”. Đó cũng là cách dạy con của nhiều ông bố, bà mẹ…
1.Lần nào cũng vậy, dạy con học được 10-15 phút là chị Thương nổi cáu và xưng hô mày – tao với con. Bà con lối xóm đã quá quen với những câu như: “Sao mày ngu thế, tao dạy hoài mà mày cũng không hiểu? Con với chả cái, nghỉ học ở nhà đi bán vé số”. Bị mẹ rầy la, bé Ti khóc khóc mếu mếu: “Sao mẹ cứ mày – tao với con vậy?”. Thấy con khóc, chị Thương càng bực mình nên quát lớn: “Cùng học một lớp với cu Bin, môn nào nó cũng được điểm 10, thường xuyên được cô giáo khen. Còn mày, học thì dốt, chữ viết vừa to vừa xấu, toán làm sai be bét. Mở tập ra chỉ thấy điểm 5, điểm 6, không thấy điểm 9, điểm 10 đâu cả. Nuôi mày phí cả cơm”… “Mẹ hung dữ quá hà”, bé Ti vừa trách mẹ vừa cặm cụi viết từng chữ lên tập.
Nhưng vì mới bị mẹ la nên bé Ti không thể tập trung được. Bởi vậy mà chữ viết cứ như gà bới, còn đối với môn toán thì tẩy tẩy xóa xóa liên tục. Thấy vậy, chị Thương lại la và càng bắt con học khuya. Có những hôm, bé Ti phải học đến 11 giờ đêm mới được đi ngủ.
Ti đang học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Q.Tân Bình. Vì học bán trú nên buổi chiều ở trường bé đã học hết bài, về nhà chỉ là coi lại một chút thôi. Cô giáo đã dặn bé như vậy nhưng không hiểu sao mẹ cứ bắt bé phải học thật nhiều. Mà học càng nhiều thì càng không vào. Cứ đến 9 giờ hơn là mắt bé díp lại, chỉ muốn được đi ngủ. Thế nên khi nhìn vào tập, bé thấy mấy chữ “a, o”, rồi các con số 1, 2… cứ nhảy múa tùm lum.
Không chỉ dừng lại ở đó, hậu quả của việc học khuya còn kéo dài đến sáng ngày hôm sau. 7 giờ là vào học nhưng 6 giờ bé Ti vẫn còn lăn lóc trên giường, không thể nào tỉnh ngủ được. Hậu quả là bé thường xuyên đi học trễ và phải nhịn ăn sáng hoặc chỉ uống một hộp sữa cầm hơi.
2. Mỗi khi bị phụ huynh so sánh với Dương, Tú (bạn cùng lớp với Dương – Trường THCS Chu Văn An, Q.1) tỏ ra rất khó chịu. Thậm chí còn có ý nghĩ chống đối lại cha mẹ.
Vốn không được thông minh nên việc học hành của Tú có phần hơi cực so với Dương. Một bài toán, Dương chỉ làm 10 phút là xong nhưng đối với Tú thì có thể mất 30-40 phút. Việc học tiếng Anh ở trung tâm cũng vậy, khởi đầu của hai đứa là như nhau nhưng đến nay khi Dương đã học chương trình C thì Tú vẫn ì ạch chương trình A. Năm nào Dương cũng được danh hiệu học sinh giỏi, trong khi Tú chỉ đủ điểm để lên lớp.
Mỗi khi đi họp phụ huynh, nghe cô giáo phản ánh về học lực của con, chị Hân (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) giận lắm. Về đến nhà, vừa trông thấy mặt Tú là chị trút hết bực dọc lên con. La mắng rồi đánh đòn, cuối cùng là “treo” giải thưởng nếu Tú học giỏi bằng “thằng Dương”. Tú cũng muốn cố gắng lắm nhưng cứ bị so sánh với Dương khiến em tự ái và bất cần.
Có lần bị mẹ la: “Cùng chơi và đi học với thằng Dương, nó học một hiểu mười. Còn con, càng học càng ngu”, Tú cự lại: “Nhưng con chơi thể thao giỏi hơn nó. Trong đội bóng của lớp, con luôn là người ghi bàn, còn nó thì không”…
Quả đúng như vậy. Tuy học lực chỉ ở mức trung bình nhưng “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” nên các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là thể thao, Tú rất mạnh. Và Tú luôn tạo ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong lớp.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Trưởng đơn vị Tâm lý BV Nhi đồng I cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhi mắc bệnh chán và sợ học. Hỏi ra mới biết, các em cũng đã từng thích đi học nhưng do bị áp lực về thành tích học tập từ cha mẹ nên các em đã mang bệnh. Mỗi đứa trẻ là một, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Đứa trẻ A có thể học giỏi hơn đứa trẻ B, nhưng ngược lại đứa trẻ A lại kém đứa trẻ B ở những lĩnh vực khác. Vì vậy, người lớn không nên so sánh chúng với nhau, rất dễ làm cho các em tổn thương. Trái lại, cần khuyến khích con phát huy những sở trường của mình…”.
Thanh Huyền
Bình luận (0)