Tòa soạnThư đi – tin lại

Có nên giải tán các trường nghề?: Kỳ 1: Sống lay lắt qua ngày

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Học CNTT với trang thiết bị lạc hậu tại Trường TC KTKT Hóc Môn
Hệ thống trường nghề hiện nay chồng chéo trong việc quản lý, không có kinh phí, không tuyển được học viên nên CSVC, trang thiết bị dạy học không được đầu tư… Than khổ, than khó nhưng không có cách gì để thoát khổ, thoát khó… đó là thực trạng đang tồn tại ở một số trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCN, TCCN) tại TP.HCM.
Trường lớp xập xệ
Nâng cấp, xây mới trường lớp, đầu tư mạnh trang thiết bị hiện đại phù hợp với ngành nghề đào tạo, kỹ năng theo hướng tiên tiến, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, mở nhiều ngành nghề mới mà xã hội đang cần, thậm chí kết nối với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo để khi HSSV ra trường có việc làm ngay, nhưng HS vẫn quay lưng… Tuy nhiên, con số các trường TCN, TCCN ở TP.HCM đầu tư theo hướng này cũng chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay. Số còn lại vẫn “giậm chân” tại chỗ, bên cạnh đó, một số lớn các trường TCCN, TCN không tuyển sinh được nên chỉ cố tìm cách để làm sao cho khỏi bù lỗ quá nhiều, vì vậy không mấy trường có kinh phí dám bỏ tiền đầu tư. Trường TC Tin học – Kinh tế Sài Gòn là một ví dụ cụ thể nhất. Không có tiền và không tuyển được đủ học viên, SV theo chỉ tiêu được cấp, trường phải hoạt động tại một cơ sở nhỏ, hẹp, trường không ra trường, lớp không ra lớp. Đây vốn là tòa nhà được sửa đổi từ căn hộ gia đình nên không đạt đúng với tiêu chuẩn của một trường học theo qui định. Trường TC Du lịch Sài Gòn có diện tích sử dụng chỉ hơn 500m2, trong khi theo quy định trường TCN phải có diện tích 10.000m2. Những dãy phòng học, phòng thực hành nhỏ hẹp, thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi. Những trường khác đang phải đi thuê mướn cơ sở để làm chỗ dạy và hoạt động như TC KT-KT Tây Nam Á, Đại Việt, TC Tài chính Kế toán tin học Sài Gòn, Quang Trung, Vạn Tường, Tân Thanh… đều có cơ sở khá chật chội với điều kiện học tập, vui chơi còn nhiều hạn chế. PGS.TS Bùi Ngọc Oánh – Hiệu trưởng Trường TC KT-KT Tây Nam Á thừa nhận: “Tây Nam Á có diện tích đất gần 2,5ha tại huyện Bình Chánh, chúng tôi rất muốn đầu tư xây dựng tại đây một ngôi trường qui mô, hiện đại và đạt chuẩn. Nhưng đến nay chưa khởi công được vì bỏ tiền tỉ ra để có trường lớp rộng rãi khang trang rồi liệu có tuyển sinh được hay không!?”.
Có đất nhưng không dám đầu tư để xây mới, nguyên nhân không tuyển sinh được chỉ là một yếu tố phụ, vì  phụ huynh HS chỉ cần đến tham quan được mắt nhìn, tay sờ và HSSV làm thử sẽ có thay đổi về tư duy và muốn học tại các trường nghề. “Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là chính sách của Nhà nước với các trường nghề thay đổi liên tục. Chưa kịp hoàn thành theo quy định, yêu cầu này thì tiếp tục phải lo tới những kế hoạch, chính sách khác mới được ban hành. Đặc biệt, lúc cho trường ĐH đào tạo TC, lúc lại cấm, rồi lại cho đào tạo đến hết năm 2017 khiến các trường nghề sống lay lắt, hồi hộp. Từ sự không nhất quán đó, riêng các trường ngoài công lập, có thể nói là đang thoi thóp sống. Những trường nào đã có đất, có cơ sở thì còn cầm cự được. Trường nào phải đi thuê mướn cơ sở, chắc chắn đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn” – ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC CNTT Sài Gòn (Chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM) thẳng thắn nhìn nhận.
Giáo viên thiếu trước hụt sau
Hiện nay trên cả nước, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH quản lý phát triển với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh hàng ngàn trường TCN, TCCN, CĐN còn có 870 trung tâm dạy nghề, thế nhưng chất lượng đào tạo lại không tương xứng với sự phát triển về trường lớp khi số lượng trường nghề đông nhưng chất lượng đào tạo, hiệu suất đào tạo thấp. Nguyên nhân cốt lõi là chất lượng giảng viên không đồng đều, giảng dạy thiếu tính thực tiễn, chạy sô từ ĐH xuống CĐ rồi TCCN đến TCN. Riêng tại TP.HCM, có trên 400 cơ sở đào tạo nghề với số HS hàng năm gần 400.000 theo học nhưng chỉ có khoảng hơn 5.000 giảng viên tham gia giảng dạy. Tính trung bình mỗi giáo viên phải đảm nhận trên 60 HS (vượt gấp 3 lần quy định). Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nhiều giảng viên giỏi lý thuyết thì lại yếu về thực hành, trong khi khó nhất của đào tạo nghề là vấn đề thực hành”. PGS.TS Chu Việt Cường, Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt nêu thực tế: “HSSV theo học tại các trường nghề có đến 70% là thực hành nhưng số giảng viên có kinh nghiệm và thực tiễn không nhiều. Ít có giảng viên xử lý được nếu có sự cố về máy móc”. Theo lãnh đạo Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH thì giảng viên dạy tại các trường nghề được huy động từ nhiều nguồn nên rất chắp vá: Cử nhân được đào tạo chính quy từ các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật hoặc các trường ĐH có chuyên ngành mà trường nghề đào tạo, các chuyên gia kỹ thuật, thợ cả, nghệ nhân giỏi nghề… “Hằng năm trường có khoảng 2.500 SV tốt nghiệp nhưng chỉ 15% trong số đó xin dạy tại các trường nghề” – TS. Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nêu dẫn chứng. Trong khi đó một số trường nghề “Tạo mọi chế độ đầu vào với nhiều ưu đãi, từ chế độ lương bổng đến tạo điều kiện cho đi học cao học hoặc cử tuyển ra nước ngoài tham gia học tập… nhưng trường vẫn không tuyển được giảng viên đáp ứng đúng yêu cầu” – ông Nguyễn Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường TC Cửu Long băn khoăn.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
LTS: Trong hai ngày 11 và 12-9, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia việc làm – dạy nghề (2012-2015) tại TP.HCM. Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đề nghị: “Giải tán những trường nào hoạt động không hiệu quả”. Vậy có nên giải tán các trường nghề?
 
Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC CNTT Sài Gòn bức xúc: “Trong mạng lưới các trường dạy nghề, hiện tại nhiều trường nghề hệ ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, hầu hết các trường đều không đạt tiêu chuẩn về diện tích 30m2/HSSV trong giai đoạn đầu nên không được hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Nghiêm trọng nhất là vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thuế không cho trường công lập được hưởng thuế suất 10% (đơn vị hoạt động xã hội hóa nhưng không được hưởng ưu đãi) mà phải đóng thuế 25%. Nhà trường chuyển qua xin đóng thuế theo doanh nghiệp vừa và nhỏ để được hưởng một số ưu đãi của loại hình này nhưng cơ quan thuế cho rằng: Nhà trường không là doanh nghiệp. Đã khó các trường càng gặp khó hơn, vậy tiền ở đâu để đầu tư CSVC!?…”. 
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)