HV Trường TC KTNV Nam Sài Gòn trong giờ học |
“Khổ lắm biết rồi nói mãi”… đó là điệp khúc mà năm nào bước vào mùa tuyển sinh mới lãnh đạo các trường nghề cũng phải thốt ra. Việc tiếp tục phải ngóng, phải chờ học viên, sinh viên (HVSV) dù đã dùng tới… 72 “phép” cũng đành bó tay.
Chương trình đào tạo ở hầu hết các trường còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa gắn với thực tiễn cuộc sống. Cái gì SV cũng biết nhưng không biết cái gì là chính, cái gì là phụ, nhiều môn học không có nội dung khoa học hoặc nội dung đã lạc hậu. SV học lý thuyết mà không biết mình học để làm gì, sử dụng vào đâu. Đó là do nhiều trường chưa khảo sát nhu cầu xã hội, thị trường lao động, yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xây dựng chương trình cho ngành học, môn học. Bên cạnh đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào không đồng đều, một bộ phận học sinh chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn nên ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu suất đào tạo, nhất là đối với hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS.
Tuyển khó, giữ được càng khó
Ông Lâm Văn Quản – Trưởng phòng GDCN&ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm học 2012-2013, các trường chuyên nghiệp tại TP tuyển mới hệ chính qui được gần 79.000 HVSV, trong đó TCCN tuyển được 42.000 HVSV. Ngành tuyển được yếu nhất là sản xuất chế biến lương thực (148 HV) và sư phạm (351 HV)”. Hiện nay, mặc dù đang là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng hồ sơ nộp vào các trường nghề quá ít, tiến độ tuyển sinh chậm hơn hẳn so với mọi năm. Thời điểm giữa tháng 9-2013, rất nhiều trường nghề vẫn đang ì ạch tuyển sinh, thậm chí không tuyển được thí sinh nào tham gia xét tuyển. Đáng kể như: Trường TC Tây Sài Gòn mới tuyển được 10% chỉ tiêu, ngành công nghệ thực phẩm Trường TC Vạn Tường chỉ tuyển được hơn 10 HV. Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, mệt mỏi cho biết: “Trường đã làm hết cách từ tuyên truyền đến từng trường phổ thông, kéo HV đến tham quan môi trường học nghề khá lý tưởng nhưng số HV tốt nghiệp THCS, THPT vào học rất ít. Đến thời điểm này, trường mới tuyển sinh được 300 HV so với tổng chỉ tiêu là 1.500 (đạt 1/5 kế hoạch) và chỉ bằng 50% so với năm trước. Tại Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, hàng loạt ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí, bảo trì sửa chữa ô tô… được trường rao tuyển ráo riết nhưng hồ sơ nộp vào không nhiều. Còn ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo Trường TCN Kỹ thuật Hùng Vương (Q.5) than thở: “Năm học trước, cố gắng lắm chúng tôi mới tuyển được 53% chỉ tiêu…”. Ông Lâm Văn Quản cũng cho biết: “Năm nào đầu vào của các trường nghề nói chung, TCCN nói riêng cũng rất khó khăn, không những thế kết quả rèn luyện và học tập của HVSV cũng đáng báo động. Theo báo cáo của 53 trường có 13.827/67.000 tổng số HVSV hệ chính quy xếp loại trung bình. Báo động nhất là đạo đức của HVSV xuống cấp được đánh giá, xếp loại đạo đức kém với 1.798 HVSV, tăng 897 HVSV so với năm học 2011-2012”.
Thêm nữa, một thực tế không thể chối cãi hiện nay là hiệu suất đào tạo tại các trường nghề. Tuyển sinh đã khó nhưng giữ được HV càng khó hơn gấp bội. “Tuy các trường đã có nhiều đầu tư về CSVC, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giảng dạy… nhưng đến nay hiệu suất đào tạo TCCN của TP đạt rất thấp (khoảng 60%). Số HVSV bỏ học ở các trường này mỗi năm đều trên 14.000 HVSV, gây lãng phí rất nhiều thời gian, công sức, tài chính của người học và gia đình. Tạo ra gánh nặng cho xã hội, lãng phí các nguồn lực mà xã hội đã đầu tư, các cơ sở đào tạo TCCN không những mất đi một khoản kinh phí đào tạo lớn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của nhà trường”, PGS.TS Chu Việt Cường – Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt thừa nhận một thực tế phũ phàng.
Gồng thêm 3 năm để chờ… thông tư 57
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường TC Cửu Long bức xúc: “Nhằm cứu các trường nghề thoát cảnh chợ chiều, Bộ GD-ĐT đã có thông tư 57 để giúp các trường nghề thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh. Nhưng thông tư này còn tới… 3 năm nữa mới có hiệu lực. Chắc từ nay đến 2017, nhiều trường nghề… may ra còn tên ảo trên website”. Ông Nguyễn Đình Bá, Phó hiệu trưởng Trường TC Quang Trung băn khoăn: “HVSV bây giờ là “khách hàng” của các trường nghề! Có nhiều hôm, gần 23 giờ đêm phụ huynh gọi điện phàn nàn về chuyện này, chuyện kia của con em mình đều được chúng tôi giải thích, hướng dẫn cặn kẽ nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa an tâm. Vậy là ngày hôm sau, cán bộ của phòng tuyển sinh phải tìm đến tận nơi để thuyết phục… họ mới chịu. Đó là còn may, vì phụ huynh biết quan tâm tới việc học tập, rèn luyện của con em mình, nhiều phụ huynh sau khi con vào học, dù nhà trường đã thông báo các khoản phải đóng trong thời gian học 1 kỳ, cả năm nhưng nhiều em vẫn tìm cách xin thêm tiền với lý do: Phải đóng tiền này, quỹ kia. Sau phụ huynh thấy nhiều quá và xin liên tục, tìm đến hỏi thầy cô mới “té ngửa” là con mình nói dối, lấy tiền để đi chơi với bạn bè, tiệc tùng. Vì vậy, mỗi mùa tuyển sinh mới, chúng tôi đều làm tốt công tác tư vấn cho PHHS nhưng cũng không tránh khỏi HV đến nộp hồ sơ, làm thủ tục nhập học nhưng xin nộp trễ học phí. Trường đợi mòn mỏi cũng không thấy HV quay lại. Rồi việc nhiều trường ĐH ngoài công lập thông báo tuyển sinh dưới mức điểm sàn, kể cả HV đó chỉ đạt 7-10 điểm cũng đường hoàng trở thành tân SV của một trường ĐH, đã khó chúng tôi càng khó hơn. Vậy thì còn cửa nào cho trường nghề sinh tồn?”.
Ông Đặng Trường – Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á đau đáu: “Nói các trường nghề đào tạo xa rời thực tiễn, không đầu tư CSVC, ỷ lại, trông chờ là hoàn toàn sai lầm! Bản thân các trường đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, công ty. Nhiều trường còn tìm về các vùng xa, vùng sâu của TP hoặc liên kết với các tỉnh thành bạn đang có nhu cầu đào tạo theo hướng phát triển của địa phương mình… Nhưng nếu sự phân chia hệ thống trường với nhiều cơ quan chủ quản, không có sự thống nhất và thực sự thấy rằng xã hội đang “cần thợ hơn thầy” thì dù các trường nghề có đổi mới đến mấy, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho HV con số vẫn bằng không. Bên cạnh đó, một khi xã hội chưa thể lay chuyển tâm lý chuộng bằng cấp, thì tấm bằng ĐH vẫn thắng thế, đè bẹp ý muốn nhỏ nhoi học nghề để tiến thân.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)