Tòa soạnThư đi – tin lại

Có nên giải tán các trường nghề?: Kỳ 3: Cơ chế – chặn lối đi trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HVSV Trường TC Bách khoa Sài Gòn trong giờ học CNTT

Việc quản lý chồng chéo, mạnh ai nấy làm… đã khiến cho bức tranh dạy nghề ngày càng ảm đạm và đi vào ngõ cụt! Chủ trương của Đảng và Nhà nước là làm cho mọi người ai cũng được học hành, có nghề nghiệp ổn định. Nhưng nếu cứ tiến hành theo cách: Trường nghề thuộc bộ nào quản lý thì chỉ biết bộ đó, sẽ không đem đến một sự thống nhất và ổn định trong công tác đào tạo nghề.
Bất công trong quản lý trường nghề
Tại sao các trường nghề không đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất… Chỉ tìm mọi cách “lách luật” đi thuê mướn nhằm kiếm lợi trên giáo dục (GD) bằng mọi cách? Ông Lưu Đức Tiến – Phó trưởng phòng GDCN và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: Ví dụ trường A, chi phí đầu tư mua đất, xây dựng tổng kinh phí 83 tỷ đồng, trong đó phải đi vay hơn 50%, UBND TP hỗ trợ 80% lãi vay của 16 tỷ đồng trong 7 năm, phần còn lại trường phải chịu. Như vậy, trường A đang thực hiện đúng theo cam kết trong đề án gửi UBND TP, Bộ GD-ĐT khi xin thành lập trường. Một phần, trường A phải chấp nhận đầu tư để có một ngôi trường đúng nghĩa, hội đủ điều kiện cho học viên, sinh viên (HVSV) khi tham gia học tập, chưa nói tới chia lợi nhuận, mà chỉ thống nhất quan tâm đến việc làm, vực dậy thương hiệu và đủ chi phí trả lãi vay, vốn gốc theo định kỳ. Nếu tính ngược lại, một trường không chịu đầu tư, tức họ không tâm huyết theo hướng lâu dài, chỉ tính theo hình thức kinh doanh lãi và lỗ từng năm, thì họ chỉ đi thuê mặt bằng, vậy họ quá khỏe. Nói tóm lại, nếu một trường không đầu tư xây dựng cơ bản thì họ chỉ cần đi thuê, không có HVSV thì trả mặt bằng, như vậy cũng đồng nghĩa với việc bấp bênh về chất lượng”. Vậy có nên giải tán các trường nghề? Khai trừ các trường nghề hoạt động không hiệu quả, thuê mướn mặt bằng, không thực hiện đúng cam kết hay không? “Chắc chắn, các cơ quan có thẩm quyền và liên quan sẽ phải tính nhanh và tính gấp trong thời gian tới”, ông Tiến đặt vấn đề.
Còn ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cũng mong muốn: “Những trường làm tốt, thực hiện đúng theo cam kết trong đề án xin thành lập trường, mặc dù họ chấp nhận khó khăn về tài chính (vay vốn ngân hàng) để đầu tư xây dựng trường một cách tâm huyết và bài bản (không phân biệt là trường tư hay trường công) phải được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và TP”.
Gắn bó nhiều năm với việc đào tạo nghề, TS. Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn chia sẻ: “Căn cứ theo quy định về việc thành lập trường, đề án thành lập trường, sau bao nhiêu năm nếu trường nghề nào đó không đầu tư xây dựng trường theo những tiêu chí của Bộ LĐ-TB&XH hoặc Bộ GD-ĐT, theo tôi, các bộ phải quyết liệt thu hồi quyết định thành lập trường, như vậy sẽ tạo sự công bằng cho các trường và các nhà đầu tư tâm huyết. Thực tế hiện nay, việc “thoi thóp sống” đang diễn ra ở những trường nghề làm việc chân chính, bởi khoản đầu tư lớn sẽ khấu hao trong hàng chục năm chứ không phải chỉ có mấy năm là được”.
Cần thống nhất về một nơi chủ quản
Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện nay bất cập về cơ cấu lao động đã qua đào tạo của Việt Nam là 1/3 (một SV tốt nghiệp ĐH thì có 3 HV tốt nghiệp trường nghề); còn ở các nước tiên tiến trên thế giới và nhất là tại khu vực Đông Nam Á thì ngược lại: 1/10, điều này cho thấy GD nghề nghiệp tại nước ta “chẳng giống ai”. Điều này dẫn đến việc mỗi năm, hàng chục ngàn SV tốt nghiệp ra trường nhưng con số tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp; trong khi doanh nghiệp vẫn kêu khổ vì không tuyển được lao động có tay nghề.
TS. Đào Khánh Dư – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng – lưu ý: “Hệ thống GD nghề nghiệp của các nước có nền GD-ĐT tiên tiến trên thế giới theo hình tháp, tức là họ đào tạo cân đối, đồng bộ giữa kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân để “thợ nhiều hơn thầy”. Còn GD nghề nghiệp ở ta thì ngược lại, từ đó dẫn đến tình trạng lộn xộn, ngược đời”.
Cũng nói về cơ chế, TS. Lý Ngọc Sáng nêu thực tế: “Trường ĐH, CĐ ở nước ta hiện nay quá nhiều và đang như “nấm mọc sau mưa” cũng bởi nguyên nhân ở cơ chế xin cho, từ đó dẫn tới dạng trường – đa cấp (đào tạo từ sơ cấp lên tới ĐH và cao hơn nữa, mô hình này chỉ có ở Việt Nam). Như vậy, các trường nghề không tuyển sinh được là không tránh khỏi”. 
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM cho rằng: Để khắc phục hình tháp ngược về dạy nghề và tình trạng hệ thống trường dị dạng (dạng trường đa cấp) như hiện tại, cần phải quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới GD nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp đến CĐ, ĐH theo mô hình thuận. Theo đó, phải loại bỏ trường đào tạo đủ cấp và phân cấp rõ ràng về công tác đào tạo cho trường trung cấp, sơ cấp đúng chức năng hơn. “Đã đến lúc phải sáp nhập hai hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH thành một hệ thống GD nghề nghiệp thống nhất”, ông Thành nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)