Tòa soạnThư đi – tin lại

Có nên giải tán các trường nghề?: Kỳ cuối: Giấc mơ “lên đời” của trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên Trường TCN Khôi Việt trong giờ thực hành pha chế

Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước tạo đột phá về chất lượng dạy nghề. Trong đó, phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, hình thành 26 trường chất lượng cao, có 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa số lao động được đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015…
19.000 tỷ đồng cho dạy nghề
Hiện nay, trong tổng số 49,5 triệu lao động chỉ có 7,2 triệu người đã qua đào tạo nghề, chiếm 14,6% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp không chỉ tạo ra năng suất lao động không cao mà còn cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế. Chính vì vậy, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo không chỉ là chiến lược phát triển của ngành lao động mà còn là mục tiêu để phát triển nền kinh tế – xã hội của đất nước. Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu về dạy nghề cho các bộ, ngành, địa phương, cơ sở dạy nghề trên cả nước; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trường chất lượng cao; xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về nghề đạt chuẩn ở các cấp độ, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng trên phạm vi cả nước; phát triển chương trình và giáo trình dạy nghề cho các nghề trọng điểm theo các cấp độ… Để hoàn thành được lộ trình và mục tiêu dự án đề ra, tổng kinh phí gần 19.000 tỷ đồng được huy động từ  nguồn ngân sách Trung ương (trên 8.900 tỷ đồng), ngân sách địa phương, viện trợ nước ngoài và huy động hợp pháp khác (9.960 tỷ đồng). 
Theo đó, dự án sẽ tiếp nhận và chuyển giao 34 bộ giáo trình của 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 371/QĐ-TTg. Đào tạo thí điểm cho 2.750 học viên, sinh viên. Ban hành chương trình và giáo trình của 130 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Đào tạo và bồi dưỡng cho 3.000 đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 200.000 giáo viên dạy nghề và người lao động… Tiếp tục tăng đầu tư đối với những cơ sở có kinh nghiệm, thế mạnh đào tạo và tạm dừng đầu tư với những cơ sở kém hiệu quả trong hoạt động đào tạo, giảng dạy nghề.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm: “Chương trình khi triển khai sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nghề và tạo việc làm. Đồng thời, hướng dẫn các quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện hiệu quả dự án”.
Trường nghề hãy tự cứu mình
Trong 10 năm gần đây, hệ thống dạy nghề trong cả nước đã được phục hồi, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH và hội nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển. Thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực (gần 70% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%)…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về lao động và việc làm đều có cùng nhận định: Nghịch lý của các trường nghề, nhất là những trường thuộc Nhà nước quản lý, được đầu tư, chăm bẵm kỹ từ cơ sở vật chất đến con người nhưng cơ sở không phát huy hiệu quả. Nhiều trường không tuyển được 50% chỉ tiêu, thê thảm hơn, có trường nhiều ngành phải xóa sổ vì không có người học… Để khắc phục tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo: Các trường nghề không phải dạy nghề theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. “Trường nghề phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để thay đổi cách thức giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động”, ông Hòa nhấn mạnh.
Phân tích dưới góc độ việc làm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ: Để người lao động có được việc làm ổn định, đòi hỏi đầu tiên là các trường nghề phải có định hướng, kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Tránh tình trạng đào tạo xa rời thực tiễn, đổi mới kiểu “rùa bò” bởi đào tạo theo kiểu “ăn xổi ở thì”, người chịu thiệt chính là các trường nghề vì không tuyển được học viên.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)