Các thí sinh xem lại bài làm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 vừa qua. Ảnh: N.Anh
|
Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2012 so với năm trước tại một số địa phương đều tăng. Theo đó, năm nay, nhiều trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Vậy có nên tiếp tục tiến hành kỳ thi này vào các năm tới?
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã chủ động giao quyền cho các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cũng may mà đã giao quyền nên vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) bộ không bị báo chí “quay” như mọi khi. Nhưng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức gần 100%, nhiều người cho rằng không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tốn kém như thế này nữa. Cách đây 4 năm, GS. Hoàng Tụy từng khẳng định việc giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều bất hợp lý, lãng phí. Giáo sư nêu những điển hình về sự tốn kém của học sinh, phụ huynh là khi phải “cơm đùm, cơm nắm” có khi đi xa tới 100km để dự thi (thi cụm – PV).
“Nếu mỗi học sinh phải chi tốn thêm vài chục ngàn đồng, thì với gần 1 triệu học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp sẽ lãng phí số tiền khổng lồ hàng chục tỉ đồng”, GS. Tụy nói.
GS. Hoàng Tụy còn dẫn chứng, sản xuất một chiếc ti vi cần nhiều khâu như chế tạo linh kiện, lắp ráp rồi mới xuất xưởng. Mỗi bộ phận linh kiện trước khi đưa vào lắp ráp đều đã được kiểm định chất lượng. Không ai đợi đến khi lắp ráp xong rồi mới mang ra “mổ xẻ”, kiểm tra lại từng bộ phận, từng chi tiết. Việc học và thi cũng tương tự. Học nhiều môn, học đến đâu, kiểm tra đến đó, đạt yêu cầu thì cho lên lớp. Vì vậy, trong xu thế hội nhập, giữ lại kỳ tốt nghiệp THPT sẽ còn tồn tại nhiều tiêu cực, bất cập hơn là những tích cực nó mang lại.
Trong khi đó, trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định kỳ thi tốt nghiệp không phải là để xem thí sinh nào trượt hay đỗ mà là để đánh giá chất lượng thực của việc dạy và học.
Nhưng liệu có đúng là chỉ đánh giá chất lượng của việc dạy và học? Có lẽ nhìn vào những tỷ lệ này thì phải thấy nếu không bị phanh phui, học sinh Đồi Ngô – Bắc Giang sẽ đỗ tốt nghiệp đến gần 100% và tỷ lệ tốt nghiệp của toàn Bắc Giang cũng phải suýt soát con số 100%. Chất lượng dạy của Bắc Giang hay các tỉnh khác đúng là “hơn hẳn” Hà Nội. Hà Nội chắc phải còn “chạy” mỏi chân mới bằng các tỉnh miền núi như Bắc Giang.
Không đồng ý bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng nhà giáo Tô Giang lại cho rằng bộ nên mạnh dạn giao quyền tự tổ chức thi, tự chấm thi cho các trường THPT. Có lẽ khi giao rồi, sẽ không có trường nào dám giơ tay khẳng định trường tôi 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Còn cứ như hiện nay, nghe qua nghĩ là hạn chế tiêu cực nhưng thực chất rất nhiều kẽ hở.
Trước câu hỏi đặt ra là “Nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nào cũng sẽ đạt xấp xỉ 99% đến 100%, thì bộ có cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT rầm rộ, tốn kém, huy động cả xã hội vào cuộc nữa hay không?”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Trong lộ trình đổi mới, bộ sẽ có nhiều chương trình đưa ra nhằm đánh giá học sinh. Kỳ thi tổ chức là nhằm đánh giá chất lượng thí sinh chứ không phải đánh trượt. Sau năm 2015, khi thực hiện thay đổi SGK, đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nhiều thay đổi hình thức thi để cân nhắc xem có nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Ngày 24-6 là hạn cuối cùng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2012 nộp đơn xin phúc khảo bài thi. Theo quy định, thí sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp ở đâu thì nộp đơn xin phúc khảo tại đó, không phải đóng lệ phí phúc khảo. Hiệu trưởng các trường phải tổ chức kiểm tra kĩ thông tin cá nhân của học sinh (gồm số báo danh, họ và tên, môn phúc khảo), giải quyết đầy đủ và nhanh chóng nguyện vọng cho học sinh. Kết quả phúc khảo dự kiến được công bố vào ngày 28-6. Theo quy chế thi của Bộ GD-ĐT, thí sinh được quyền phúc khảo tất cả các môn thi, không có điều kiện ràng buộc. Với môn tự luận, điểm bài thi được điều chỉnh khi điểm chấm lại chênh lệch (lên hoặc xuống) so với điểm chấm lần trước từ 1 điểm trở lên với môn ngữ văn và 0,5 điểm trở lên với các môn khác. Với môn trắc nghiệm, điểm phúc khảo sẽ là điểm mới của bài thi.
Nghiêm Huê
Tỷ lệ đậu tốt nghiệp cả nước đạt 97,63%
Ngày 19-6, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước đạt 97,63%, trong đó, hệ giáo dục phổ thông đạt trên 98,9%, hệ GDTX đạt trên 85%.
Tỷ lệ thí sinh hệ giáo dục phổ thông đỗ tốt nghiệp loại giỏi là 2,59%, loại khá là trên 20%. Ở hệ GDTX, tỷ lệ thí sinh đỗ loại giỏi là 0,12%, loại khá là 3,39%.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, các địa phương, đơn vị trong toàn quốc đã tổ chức chấm thi theo đúng quy định của quy chế và đã hoàn thành công tác chấm thi theo đúng kế hoạch.
Đến hết ngày 18-6, các địa phương, đơn vị đã công bố kết quả thi, thông báo tới các trường phổ thông và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh đỗ tốt nghiệp.
L.Phương
|
Bình luận (0)