Do hoàn cảnh gia đình, sau khi đi dạy được 8 năm, tôi phải rời bục giảng trường sư phạm ra dạy trường phổ thông. Vài năm đầu dạy lớp 12 tôi vẫn quen với lý thuyết về các bước lên lớp là đầu giờ phải kiểm tra bài cũ, kiểm tra vở soạn, vở ghi bằng cách gọi học sinh lên bảng. Về sau càng dạy tôi thấy cái này sao sao ấy? Cả thầy và trò có gì đó rất căng thẳng vào đầu giờ. Đầu tiết dạy mà lớp im phắc chờ đợi thầy “bỏ bom”. Học sinh lo ngay ngáy vì sợ thầy “rà” trúng tên mình trong sổ ghi điểm. Đến hôm ấy, tôi vô tình gọi đúng vào một nữ sinh. Khi em bước lên bục, tôi nhìn thấy vẻ mệt mỏi của em nên nói: “Thôi, thầy biết hôm nay em không được khỏe. Cho phép em về chỗ, hôm khác trả bài”. Em như hiểu ý, đáp lí nhí “vâng”, rồi quay về chỗ. Trong giờ dạy hôm ấy, may thay có bài ca dao: “Hòn đá đóng rong bởi dòng nước chảy/Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa/Em thương anh không dám nói ra/Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời/Em với anh cũng muốn kết đôi/Sợ vầng mây bạc giữa trời mau tan” nên tôi kết hợp bày tỏ quan niệm và lý giải một cách công khai mà kín đáo những gì xảy ra ở đầu giờ. Tôi nói: “Con trai thì vứt đâu cũng sống được. Riêng con gái yếu đuối, mong manh, lo sợ đủ điều như thế kia, rất cần được chở che, bao bọc. Cho nên phàm sinh con gái phải thương gấp hai lần…”. Qua ánh mắt học sinh, tôi biết các em hiểu. Cũng từ đó, tôi dường như không gọi học sinh lên bảng trả lời đầu giờ. Điều này được thông báo ngay từ ngày đầu nhận lớp, như một mặc định. Nhưng học sinh phải cam kết rằng, các em có thể phải đứng tại chỗ để trả bài, hoặc cũng phải lên bảng khi có người dự giờ, hay ở phân môn tiếng Việt. Tất nhiên tôi chưa thấy em nào không đồng ý với giải pháp này. Tuy nhiên để rèn luyện sự bình tĩnh, tự tin, khả năng thuyết trình và tranh biện, tôi thường tổ chức những tiết/buổi sinh hoạt chuyên đề có chuẩn bị. Học sinh lần lượt trình bày, được thầy và các bạn phản biện. Người trình bày phải tự khai thác, tìm tòi tài liệu tại chỗ để trả lời. Bí quá, tôi cho phép “cứu bồ”, các em nhờ bạn thân, hoặc bạn thân tự nguyện trả lời thay nhưng vẫn tính điểm cho người trình bày. (Nhờ cách này mà tôi biết nhiều điều về mối quan hệ bạn bè của học sinh). Ở các lớp chuyên ngữ, tôi còn yêu cầu người hỗ trợ phải nói bằng tiếng nước ngoài để người kia dịch lại cho tôi nghe. Thế là một công đôi việc. Các thầy cô dạy chuyên ngữ rất tán đồng. Có nhiều thầy cô sau đó được học sinh đề nghị diễn đạt giúp các em một ý văn. Lớp học cũng nhờ thế mà sôi nổi, lý thú và hiệu quả. Học sinh được rèn luyện rất nhiều thứ như: âm sắc, ngữ điệu, ngôn từ, khả năng tranh biện và giao tiếp văn hóa. Mấy mươi năm qua học sinh của tôi, chẳng mấy ai nhút nhát cả. Các em đều phát huy tốt năng lực thuyết trình, tranh biện. Tôi thấy môn văn không nhất thiết cứ phải kiểm tra đầu giờ theo cách cũ, đúng 5 bước lên lớp. Vấn đề là phải động não sáng tạo, thay đổi hình thức và phương pháp theo hướng tích cực và hiệu quả. Tôi đã nghĩ và làm như thế đấy.
Đinh Thiên Hương (Hải Phòng)
Bình luận (0)