Tờ lịch ghi tháng một (âm lịch), cũng là tháng mười một như cách ghi quen thuộc từ trước đến nay |
Một số người tiêu dùng tỏ ra ngần ngại khi mua các loại lịch bloc do NXB Văn hóa Sài Gòn cấp phép, vì trên mặt lịch phần “tháng mười một” âm lịch lại ghi là “tháng một”.
Nơi trực tiếp được NXB Văn hóa Sài Gòn cấp quyết định để in loại lịch bloc nói trên là Công ty văn hóa tổng hợp Hưng Phú. Khi lịch in ra và phát hành, công ty này cũng rất lúng túng khi nghe thắc mắc về thông tin in trên mặt lịch, cụ thể tháng mười một in là tháng một (Canh Dần 2010).
Thắc mắc trên được Công ty Hưng Phú chuyển đến NXB Văn hóa Sài Gòn và NXB đã có công văn chính thức xác nhận thông tin về tháng một (thay vì tháng mười một âm lịch) in trên ấn phẩm lịch bloc là không sai. Nguyên văn: “Ở phần thông tin về ngày tháng âm lịch in bên trái (phía dưới bloc lịch) phía đối tác (Công ty Hưng Phú) dùng cách tính tháng theo thứ tự tháng mười âm lịch rồi đến tháng một (chứ không in là tháng mười một – NV), tháng chạp, tháng giêng… Qua tìm hiểu và tham khảo nhiều tài liệu của các học giả, các nhà văn hóa tên tuổi và uy tín, Ban biên tập NXB (Văn hóa Sài Gòn) đã kết luận đây là cách gọi đúng ngày tháng âm lịch theo truyền thống của người Việt Nam. Nay NXB Văn hóa Sài Gòn gửi công văn này xác nhận việc dùng ngày tháng âm lịch theo cách trên là chính xác, nhằm tránh sự ngộ nhận có thể xảy ra với một số độc giả và người tiêu dùng, cho rằng cách dùng này là lỗi in sai”.
Dẫu được NXB giải thích như trên, song Công ty Hưng Phú vẫn hồi hộp vì nhiều bloc lịch của các nhà xuất bản và công ty liên kết khác vẫn in là tháng mười một (Canh Dần), ngay cả lịch bỏ túi thông dụng do một số NXB như Thể Dục Thể Thao, Đà Nẵng ấn hành năm nay vẫn để là tháng mười một. Cạnh đó, người tiêu dùng vẫn có xu hướng cho rằng “in tháng mười một thành tháng một (âm lịch) như thế là in sai”. Vì vậy, Giám đốc Công ty Hưng Phú gửi công văn đến Phòng nghiên cứu lịch thuộc Trung tâm thông tin tư liệu của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị giải thích cách gọi tháng mười một (âm lịch) là tháng một sao cho rõ ràng hơn.
Ngày 9.11, Phòng nghiên cứu lịch đã có công văn trả lời: “Người Việt Nam nên dùng lịch Việt Nam. Phòng nghiên cứu lịch đã dùng các từ thuần Việt trong việc gọi tên tháng là: giêng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, một (chứ không phải mười một – NV), chạp. Lịch Việt cổ bắt đầu từ tháng một (tháng Tý) rồi tháng chạp (Giỗ Chạp), tháng giêng (Cồng Chiêng), hai, ba, tư… Hiện nay, năm mới bắt đầu từ tháng giêng (tháng Dần) và kết thúc vào tháng chạp (tháng Sửu – 12). Vấn đề này đã được giải thích rõ trong sách Lịch Việt Nam 1890 – 2010 của tác giả Trịnh Tiến Điều, NXB Từ điển bách khoa Hà Nội (trang 60-61-62). Công ty cổ phần văn hóa tổng hợp Hưng Phú in lịch như trên là đúng”. Người ký công văn là ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng phòng nghiên cứu lịch, với xác nhận của Giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam là ông Nguyễn Tiến Đạt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện người tiêu dùng vẫn chuộng loại lịch đề rõ tháng mười một (âm lịch) hơn là ghi tháng một. Đơn giản là cách gọi và cách viết từ tháng mười (âm lịch) sang tháng mười một đã quen và tiện dụng từ lâu. Hai cách gọi khác nhau đang tồn tại song song trên lịch bloc hiện hành, ai thuận cách nào thì mua dùng bloc đó.
Giảo Hưởng (Theo TNO)
Bình luận (0)