Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Có nên quá kỳ vọng vào con?

Tạp Chí Giáo Dục

Đừng bắt trẻ vượt ngưỡng khả năng đáp ứng của mình. Ảnh: I.T

Bất kể ông bố bà mẹ nào cũng đều mong muốn nhìn thấy con mình có được một tương lai xán lạn, thậm chí phải trở thành “ông nọ, bà kia”. Chính điều ấy đã gây cho con cái họ ít nhiều áp lực bởi những đòi hỏi cũng như sự kỳ vọng quá đáng của mình, đôi khi vượt quá “ngưỡng” khả năng đáp ứng.
Tiếng nói của phụ huynh
Quang Long là một “cây toán” của khối lớp 11 Trường T.Đ.N. Ngay từ khi Long còn học cấp 1, anh Vinh – ba của Long, cũng là giáo viên toán của trường đã định hướng cho con trở thành một nhà toán học, hoặc chí ít phải là giáo viên giỏi. Anh tin rằng với chuyên môn của mình cũng như có cả một thư viện sách toán của gia đình sẽ giúp Long chạm đến sự kỳ vọng của anh. Thế nhưng, càng lớn Long càng bộc lộ năng khiếu và thể hiện rõ niềm đam mê hội họa khi đăng ký vào Câu lạc bộ Mỹ thuật của Nhà Thiếu nhi thành phố. Và để được tham gia câu lạc bộ mỗi tuần, Long phải “hoàn thành hết các bài tập nâng cao” mà anh Vinh giao phó.
Chuyện xảy ra trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi của trường khi Long chỉ nhận được điểm 7 môn toán và đứng sau một học sinh khác. Qua tìm hiểu, anh Vinh biết sở dĩ việc học của con có phần chểnh mảng là vì Long đang theo đuổi những dự án tranh graffiti (nghệ thuật vẽ tranh trên tường) cho các quán trà sữa dành cho lứa tuổi học trò. Anh Vinh tỏ ra giận dữ với việc làm của Long và cấm con không tham gia bất cứ một hoạt động mỹ thuật nào nữa, đồng thời phải đầu tư nhiều hơn cho việc học cũng như dành phần lớn thời gian giải các bài tập toán chuẩn bị cho kỳ thi cấp quận…
Còn Vân, hiện đang ở trọ theo học tại một trung tâm Anh ngữ tại quận Tân Bình, mặc dù cách nhà không đến một giờ đi xe buýt nhưng 2 tháng nay Vân chưa về thăm bố mẹ. Kỳ tuyển sinh vừa rồi Vân thi rớt đại học, ước mơ của Vân là tốt nghiệp đại học sau đó tìm kiếm một công việc ổn định để có thể tự lo lắng cho mình. Ngược lại, vì gia đình giàu có và bố mẹ là những doanh nhân có tiếng nên luôn muốn Vân ra nước ngoài du học. Tốt nghiệp một trường ngoại quốc sẽ mang lại danh tiếng cho gia đình hơn nữa mặc dù khả năng Anh văn của Vân rất kém và cô đã trượt đến 3 lần phỏng vấn. Giận bố mẹ không ủng hộ lựa chọn của mình cũng như bị bắt ép phải theo học các khóa Anh ngữ đã khiến Vân chán nản, không muốn về thăm nhà. Vân tâm sự: “Nếu có cơ hội, em sẽ xin học một lớp nghề gì đó để mai mốt tự nuôi sống bản thân, không dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Từ nhỏ em đã học rất dở. Em không muốn ra nước ngoài vì chưa chắc ở đó em sẽ học giỏi hơn”. Vân cho biết những người bạn giàu có của mình vì thực hiện ước muốn của bố mẹ đã ra nước ngoài học tập nhưng không thể nào bắt nhịp được với những sinh viên khác, cộng với sự khác biệt về lối sống, môi trường khiến họ luôn rơi vào tình trạng chán nản và lạc lõng…
Nỗi lòng con trẻ
Trên các forum của lứa tuổi học trò hiện đăng tải rất nhiều tâm sự của các bạn trẻ, họ là những người con cảm thấy bức xúc và ngộp thở trước những áp đặt và kỳ vọng quá đáng của bố mẹ mình. Có bạn thốt lên rằng: “Ngôi sao của con chỉ sáng đến đó, xin bố mẹ đừng ảo tưởng về con” hay “Tôi muốn chạy trốn khỏi gia đình” hoặc một bạn trẻ có nickname boylangtu tự hào rằng: “Tớ đã đi bụi 5 ngày rồi, để cho bố mẹ tớ biết là tớ cần phải thở chứ không phải lúc nào cũng học học học”…
Có thể khẳng định tâm lý chung của những ông bố bà mẹ trong việc chăm lo con em mình đều xuất phát từ tình yêu thương, họ chỉ muốn cho con cái mình thành đạt và có một tương lai tốt đẹp. Thế nhưng, họ lại quên rằng chính những đứa trẻ ấy mới cần phải có sự độc lập, tự do đưa ra các quyết định về tương lai, chí hướng của mình. Áp lực của cha mẹ vô hình trung đã tạo nên một bức tường ngăn cách khiến các bạn trẻ có nguy cơ mắc phải những trở ngại về tâm lý, muốn thu mình lại và sống khép kín hơn trước những kỳ vọng, đòi hỏi của bố mẹ mà bản thân không đủ khả năng đáp ứng. Các bậc phụ huynh nên cùng bàn bạc, lắng nghe ý kiến của con mình.
“Với tay, nhón gót” để chạm đến những kỳ vọng của cha mẹ thường khiến cho con cái mệt mỏi và muốn “bứt” khỏi gia đình.
 
Ngân Du

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)