Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Có nên sáp nhập các ĐH?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều chuyên gia cho rằng, sáp nhập các ĐH là một đề xuất táo bạo, nếu thực hiện sẽ tạo ra khối trường có quy mô và có thể khai thác tối đa các trang thiết bị đầu tư.

Tại Hội nghị đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường ĐH, CĐ công lập toàn quốc vừa qua, một đại biểu của Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát lại mạng lưới giáo dục, trường nào đủ điều kiện cơ sở vật chất thì đầu tư nếu không thì cho sáp nhập. Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng đây là một đề xuất táo bạo nếu thực hiện sẽ tạo ra khối trường có quy mô và có thể khai thác tối đa các trang thiết bị đầu tư.
Lợi nhưng vẫn băn khoăn
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, cho biết cách đây 5 năm đã có ý tưởng sáp nhập trường ĐH Công nghiệp, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Xây dựng. Việc này hoàn toàn có thể được dù mỗi trường trực thuộc các bộ ngành khác nhau. Và, cũng có ý tưởng đổi tên trường thành ĐH tổng hợp xây dựng và kiến trúc.

: Mô hình ĐH hai cấp sẽ giúp tiết kiệm được nhân, vật lực. Ảnh: Lê Hưng

Ông Hùng cho biết thêm: “Đây không đơn thuần chỉ là việc đổi tên mà còn là sự nâng cấp trường đại học. Mô hình ĐH tổng hợp phát huy sức mạnh tổng hợp để giải quyết những bài toán tổng hợp, thích ứng với nhu cầu đa dạng và đầy biến động của cuộc sống”. Vấn đề băn khoăn là khi sáp nhập, người ta lo lắng đến chức quyền mà không đi vào mục tiêu của công việc chung. “Nhưng, nếu Bộ GD-ĐTcó biện pháp mạnh thì họ vẫn phải làm theo”, ông Hùng nói.
Đồng tình việc sáp nhập có nhiều mặt lợi nhưng ông Ngô Duy Ngọ, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao cũng tỏ ra băn khoăn: “Đưa ra ý tưởng nhưng cần phải nghiên cứu xem sáp nhập như thế nào? Cả nước có 332 trường ĐH,CĐ công lập vậy những trường nào sáp nhập với nhau? Cơ sở khi sáp nhập thế nào, nhân sự giải quyết ra sao?”
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng lại cho rằng sáp nhập không phải là hướng hay. Nếu khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất thì nên tìm hướng để tăng cường chứ không nên thay đổi cơ cấu hành chính. “Chúng ta từng sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, sáp nhập thành phố, Thế nhưng, bản chất của sự sáp nhập ấy không phải 1+1=2 mà vấn đề là có thay đổi được gì trong cách làm và cách phát triển”, ông Cường nói.
Hướng tới mô hình ĐH hai cấp?

Trao đổi về việc có nên sáp nhập các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho rằng việc sáp nhập các trường khó thực hiện vì mỗi trường đều có tiêu chí, mục tiêu và định hướng phát triển riêng.
Trước câu hỏi làm thế nào để giải bài toán cơ sở vật chất và thực hiện sáp nhập các trường có thể khai thác thiết bị đầu tư hiệu quả hơn? Ông Ga cho rằng câu trả lời sẽ có khi đánh giá được hiệu quả mô hình của ĐH hai cấp, ĐH vùng, ĐH Quốc gia. “Hiện nay, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đang triển khai làm việc với các trường hai cấp này như 2 ĐHQG, ĐH vùng Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, tới đây sẽ có hội nghị tổng kết, sơ kết các ĐH hai cấp”, ông Ga thông tin.
Bày tỏ quan điểm riêng, ông Ga đánh giá mô hình hai cấp rất tốt vì cho phép khai thác thế mạnh của nhau, tiết kiệm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực. Ông Ga ví dụ, ĐH Đà Nẵng có 5 trường, thì một giảng viên dạy Toán có thể dạy trong 5 trường đó; còn nếu là 5 trường độc lập thì cần có 5 giáo viên. Tương tự ĐH Đà Nẵng cần một phòng thí nghiệm còn nếu riêng lẻ phải làm 3-4 phòng cho các trường kia nên rất lãng phí.
Theo GS.TS khoa học Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu giáo chức Việt Nam để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, Nhà nước, Bộ GD-ĐT nên ra quyết định các trường đại học trong bao nhiêu năm phải tăng phần tích lũy, giảm chia nội bộ để đầu tư cho cơ sở vật chất. Sau một thời gian, trường nào không làm được thì phải xem xét tư cách tồn tại.

Thủy Trúc / Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)