Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T |
Từ lâu, một số gia đình ở cả nông thôn và thành phố thường có thói quen thưởng tiền bạc khi sai khiến con làm các công việc nhà. Với cách làm như vậy ở thời điểm bắt đầu và trước mắt là khá hiệu quả khi trẻ rất năng nổ, chịu khó và hoàn thành công việc một cách đảm bảo nhất, nhanh nhất. Thế nhưng về lâu dài, xem ra cách làm này lại phản tác dụng vì trẻ sẽ không chịu làm việc nếu không thấy có tiền cho mình, và lúc này trẻ thường bắt bố, mẹ thuê mình làm theo hình thức mặc cả, ngã giá chứ không còn là “thưởng” nữa. Sở dĩ như vậy vì khi không có tiền trẻ nhất định không làm việc nữa vì không có… tiền làm động lực.
Vợ chồng chị bạn tôi là công chức Nhà nước nên cứ từ sáng sớm tới chiều là có mặt ở cơ quan rồi. Nhà có hai đứa con cũng không còn quá nhỏ nữa, khi một đứa thì học lớp 7, đứa út thì học lớp 5. Chính vì các con đã lớn nên chúng đã tự có thể làm được các công việc nhà lặt vặt và nấu cơm nước cho cả hai tự ăn rồi đi học. Vì vậy, hai vợ chồng cũng không thuê ô-sin và mỗi tháng cũng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Tuy vậy, số tiền “tiết kiệm” được từ việc không phải thuê ô-sin kia hai vợ chồng lại phải “đầu tư” vào các con của họ vì chúng làm việc ở nhà là phải được “thuê mướn”.
Một nhà hàng xóm của tôi cũng có cách làm tương tự như vợ chồng chị bạn mà tôi đã đề cập ở trên. Ngay từ khi đứa con của họ còn ở lứa tuổi đi nhà trẻ họ đã thưởng tiền cho cậu nhỏ. Hầu như cái gì họ cũng thưởng cho con tiền từ việc “nựng” con ăn, dỗ con không khóc nữa, cho tới việc bé đi nhà trẻ cũng được thưởng tiền. Khi cu cậu đã lớn, thậm chí những năm đã học tới cấp 2 vậy mà khi làm bất cứ công việc gì ở nhà cũng được thưởng tiền. Nếu ở nhà nấu một bữa cơm, lau dọn nhà cửa cu cậu được “thưởng” 30.000 đồng. Nếu là tự giặt quần áo cho mình thì bắt buộc bố mẹ phải “chi” thêm 20.000 đồng. Chẳng vậy mà, có hôm cu cậu ấy đã “kiếm” được của bố mẹ 40.000-50.000 đồng là chuyện bình thường.
Sự vô tâm của người bố, người mẹ của cu cậu hàng xóm là không cần biết con mình chi tiêu các khoản tiền thưởng kia vào việc gì, có ích lợi hay không (?!). Họ vẫn mải mê kiếm tiền và “thả” con mình muốn làm gì thì làm. Từ tiền được thưởng ấy, tôi thấy cu cậu ấy thường xuyên ra các tiệm nét quanh nhà để chơi game với chúng bạn.
Như đã nói, giai đoạn trẻ còn nhỏ thì cha mẹ cũng có thể thưởng tiền cho con bằng những công việc sai khiến chính đáng để hướng trẻ biết làm việc và có thói quen, trách nhiệm làm việc nhà chăm chỉ. Thế nhưng, khi trẻ đã bắt đầu lớn dần thì chuyện thưởng tiền hay thuê mướn bằng tiền đổi lấy trẻ làm việc nhà là phải chấm dứt hoàn toàn vì như vậy trẻ sẽ sinh hư, sinh lười. Lúc này, cha mẹ phải nói với trẻ là làm việc nhà là trách nhiệm của trẻ đối với gia đình. Phải dứt khoát không được mang tiền ra “nói chuyện” công việc nhà với con nữa. Cha mẹ có thể hứa thưởng cho con một chuyến du lịch đâu đó vào dịp hè, hay sẽ mua sắm cho con vài bộ quần áo mới, sách bút, quà tặng làm kỷ niệm… nếu thấy con chăm chỉ làm việc nhà. Việc này nên khuyến khích vì trẻ cũng sẽ có động lực làm việc rất hiệu quả, mà bằng chứng là tôi thấy khá nhiều gia đình đã làm như vậy.
Nguyễn Việt Hà (Q.9, TP.HCM)
Bình luận (0)