Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có nên “tích hợp” nhiều môn?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Đề xuất đưa môn văn vào xét tuyển ngành y tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có một số ý kiến tỏ ra mỉa mai, châm biếm cách đặt vấn đề của Bộ Y tế.
Trước hết, đây là một vấn đề rất mới, cần có sự xem xét thấu đáo thay vì vội vã ủng hộ hoặc phản đối. Từ đây cũng nên đặt ra vấn đề có nên “tích hợp” nhiều môn khác nữa hay không khi xét tuyển vào một số ngành ở bậc ĐH?
Thứ nhất, tôi nghĩ rằng ý kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp (Bộ trưởng lấy ví dụ, nhiều chuyên viên ở bộ khi làm công văn vẫn sai ngữ pháp, nếu đọc nguyên bản các văn bản ấy sẽ “rất dễ đứt mạch máu não”) là không thực sự phù hợp và cần thiết với ngành y. Cán bộ ngành y có nhiều dạng: Hộ lý, điều dưỡng, y tá, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý – điều hành…, trong số này ai thực sự cần diễn đạt lưu loát? Liệu lấy điểm văn để xét tuyển vào ngành y (bên cạnh các môn chuyên ngành khác) thì có thực sự khắc phục được điều này không? Người giỏi văn có thực sự là người diễn đạt lưu loát cả ở mặt thể hiện bằng văn bản và lời nói? Tại sao lại chọn người học ngành y để làm công việc hành chính, văn phòng rồi phê bình họ là viết không tốt? Như vậy, riêng với ý kiến này có lẽ không thật sự thuyết phục.
Thứ hai, nên hiểu rằng việc hành văn rõ ràng, mạch lạc, đúng chính tả, ngữ pháp là một yêu cầu quan trọng trong thể hiện văn bản nhưng không nhất thiết qua việc học giỏi văn, mà có thể qua việc tự rèn luyện, qua các khóa huấn luyện kỹ năng… Cũng như vậy, việc nói thuyết phục, rành mạch dường như cũng không liên quan đáng kể đến việc người đó có giỏi văn hay không mà phụ thuộc vào khả năng có tính đặc thù (năng khiếu) và nhất là ở sự rèn luyện. Trong khi đó, người có thể thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhất là bác sĩ, thường cũng chỉ tiếp xúc (nói chuyện) không nhiều, không phải là nhân viên văn phòng để thường xuyên soạn thảo văn bản…, vậy thì cần thiết gì để chọn một người giỏi cả môn văn và các môn khoa học tự nhiên (toán, hóa, sinh)?
Nếu nhìn ở góc độ này thì có lẽ hợp lý hơn: Đó là tuyển người học tốt văn để có cái nhìn nhân bản, nhân văn hơn khi làm thầy thuốc, bởi “văn học là nhân học”. Tức là người có một tâm hồn dễ đồng điệu, dễ trắc ẩn, dễ rung động trước cái hay, cái đẹp, cái bi, cái hài (nhất là có sự cảm thông với nỗi đau của người khác) thì khi làm thầy thuốc, có thể dễ chia sẻ với người bệnh hơn, từ đó quan tâm, chăm sóc, cứu chữa người bệnh tốt hơn. Người thầy thuốc ứng xử với bệnh nhân nên bằng cả tấm lòng, chứ không phải chỉ bằng lời nói – tức là có thể họ nói cộc lốc, không rõ ràng nhưng sự ân cần, sự tận tụy luôn có giá trị gấp bội.
Thứ ba, đã có ý muốn dùng một môn học thiên về con người, tức là không thuần túy về mặt khoa học, sao không sử dụng môn giáo dục công dân trong việc xét tuyển ngành y, ngành luật, ngành hành chính, ngành báo chí, ngành sư phạm, ngành tâm lý…? Đây là vấn đề nên được xem xét thấu đáo, bởi về nguyên tắc, môn giáo dục công dân dạy cho học sinh về lễ, tức dạy làm người – làm người có văn hóa, có đạo đức, biết chấp hành pháp luật…, thì hoàn toàn phù hợp với những nghề có tiếp xúc (và có tác động) trực tiếp đến con người. Chẳng hạn, với ngành sư phạm, hàng ngày có giao tiếp trực tiếp với học sinh, có tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, nhận thức và cả lý tưởng sống, liệu có cần một người có tư cách đạo đức tốt, có tính gương mẫu trong lối sống và hành động? Còn như hiện nay, giáo viên một số môn khoa học xã hội thì lấy điểm thi của ba môn văn, sử, địa thì liệu có phản ánh đầy đủ yêu cầu về phẩm chất (chưa nói đến chuyên môn) của một cá nhân làm nhà giáo?…
Đã từng có ý định tích hợp một số môn vào một bài thi thì với môn giáo dục công dân, hoàn toàn có thể áp dụng vào bài thi môn văn, môn ngoại ngữ…, thậm chí với một số môn khoa học tự nhiên, như toán, lý, sinh với rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống thực tiễn, như bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo… 
Thứ tư, có thể tính đến việc “tích hợp” điểm số (hoặc bằng những hình thức đánh giá phù hợp) của nhiều môn, gồm một số môn khác bên cạnh những môn chính. Chẳng hạn, những ngành có đòi hỏi tính toán thì nhất thiết phải có môn toán, những ngành có liên quan đến môi trường thì nên có môn sinh, những ngành có liên quan đến hóa chất thì nên có môn hóa… Bởi những môn này có tính cơ sở, nền tảng về kiến thức, nhận thức của thí sinh, từ đó có thể học tốt và làm tốt hơn ngành học của mình.
Dĩ nhiên, nếu xem xét việc “tích hợp” thì Bộ GD-ĐT cần tính toán khoa học, hợp lý để xác định môn nào đi với ngành nào, cách tính điểm/đánh giá ra sao… Việc làm này phải căn cứ trên những luận chứng khoa học – thực tiễn, chứ không phải theo ý muốn chủ quan!
ThS. Nguyễn Minh Hải

 

Bình luận (0)