Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Có nên tổ chức cho học sinh dâng hương tại đền thờ danh nhân?

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, trước các kỳ thi học sinh giỏi, nhiều nhà trường, địa phương thường tổ chức đoàn học sinh đi dâng hương tại các đền thờ danh nhân. Thường trường mang tên danh nhân nào thì tổ chức dâng hương tại đền thờ danh nhân đó. Ví dụ, trường Phan Bội Châu thì dâng hương ở đền thờ Phan Bội Châu, trường Nguyễn Trãi thì dâng hương ở đền thờ Nguyễn Trãi… Một số trường ở Hà Nội thì tổ chức dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám – nơi được gọi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến. Thực tế đã có chuyện không hay xảy ra. Ngày 30-12-2016, Sở GD-ĐT H. tổ chức lễ dâng hương và xuất quân dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017 tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ở nơi trang trọng nhất của buổi lễ, Ban tổ chức căng tấm băng rôn ghi dòng chữ “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”. Nhìn vào câu khẩu hiệu đó, có người suy diễn rằng đối tượng được/bị dâng hương là các học sinh giỏi. Sau đó rút kinh nghiệm, băng rôn ngớ ngẩn nói trên được thay bằng nội dung: “Học sinh giỏi thủ đô quyết tâm dành thắng lợi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia…”. Và treo lên ngay giữa ban thờ, dưới hoành phi “Vạn thế sư biểu” (thờ Chu Văn An). Băng rôn to, che trước bàn thờ bậc tiên thánh, theo tôi là phản cảm. Có trường hợp phụ huynh có con trong đội tuyển học sinh giỏi góp tiền để đi lễ tại đền thờ Lý Nhật Quang. Và nghe nói là do giáo viên gợi ý. Nếu như vậy thì không nên chút nào.


Mt băng rôn l dâng hương ti Văn miếu Quc T Giám

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dâng hương trước một kỳ thi như thế là không cần thiết và nên bãi bỏ việc làm nói trên. Bởi vì: Việc dâng hương, thắp hương thờ cúng danh nhân, được thực hiện theo phong tục cổ truyền của dân tộc, thường là vào ngày kỵ nhật, ngày rằm, mồng một, ngày Tết… Việc cho đoàn học sinh giỏi đi dâng hương, mặc dù không ai thừa nhận, nhưng vẫn có một tâm lý là mong được “chứng giám, phù hộ”. Đây là điều đại kỵ đối với tuổi trẻ, đặc biệt là trong cuộc thi trí tuệ. Chỉ có trí tuệ, khoa học mới giúp các em đạt kết quả cao. Mà không phải kỳ thi này, tất cả các hoạt động trong cuộc đời các em sau này, cần phải được thầy cô làm gương, quán triệt theo tinh thần đó. Bên cạnh đó, để học sinh tiếp xúc và quen với các hành vi khấn vái, cúng bái là điều không nên. Cần phải dạy các em là phải rèn luyện trí tuệ để thay đổi vận mệnh, và chỉ có sự nỗ lực, mạnh mẽ của bản thân mới đem lại thành công.

Theo tôi, tri ân danh nhân không nhất thiết phải dâng hương. Đó là việc của người lớn, của người có trách nhiệm, trong những dịp thích hợp. Không nên khấn vái, hương hoa quá nhiều. Học sinh tri ân tiền nhân là phải phát huy sự nghiệp của tiền nhân, học giỏi, đạo đức tốt, làm việc tốt, cống hiến cho xã hội. Xì xụp khấn vái không phải là tri ân. Nếu coi thi học sinh giỏi là hoạt động quan trọng, vậy các hoạt động khác trong nhà trường không quan trọng sao? Thế thì triển khai bất cứ cái gì cũng tổ chức đoàn đi dâng hương? Như thế thì thời gian đâu mà làm việc, bởi vì không ai có thể phù hộ cho đâu. Đó là chưa nói tới việc cổ xúy cho mê tín dị đoan đối với thế hệ đi sau.

Trn Quang Đi

Bình luận (0)