Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Có nên trao quyền tự chủ cho các trường Đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dự án Luật Giáo dục đại học đã thu hút được sự quan tâm của nhiều ĐB Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 14-11.
Bề ngoài tưởng thông thoáng trong lại khắt khe
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng, điều mà giới giảng viên đang mong chờ hiện nay là quyền tự chủ của các trường đại học (ĐH). Tuy nhiên, điều này lại chưa được giải quyết cụ thể trong luật, mà nêu chung chung là giao cho Thủ tướng qui định. Cũng theo ĐB Lan, không nên để trường tư thục, dân lập hoàn toàn tự chủ về học phí, còn khối công lập thì theo mức như hiện nay vì với mức kinh phí hạn chế, không đầu tư máy móc, trang thiết bị, trả lương cho giảng viên thỏa đáng, thì không thể có chất lượng cao. ĐB Lan cũng đề nghị không nên tuyển sinh theo cơ chế chung.
Đồng tình với đề nghị của nhiều ĐB về việc làm rõ quyền tự chủ của các trường ĐH, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, luật cần quy định cụ thể hơn chứ không nêu khái quát như dự thảo. “Quy định về quyền tự chủ cơ sở giáo dục đang kỳ vọng tạo điều kiện các trường phát triển, nhưng nhiều quy định “bề ngoài tưởng thông thoáng nhưng bên trong lại quá khắt khe”, có những điều luật có 6 khoản thì 5 khoản quyền quyết lại thuộc về Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo chứ không phải do cơ sở giáo dục. Nếu cơ sở không tự quyết thì sao gọi là tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, ĐB Thủy đặt câu hỏi.
ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhấn mạnh thêm, “Luật này không phải là luật “khung” nữa nên phải quy định cụ thể để áp dụng được ngay. Luật không tham vọng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến giáo dục ĐH nói chung, nhưng phải giải quyết vấn đề cơ bản. Đối với vấn đề tự chủ ĐH, luật phải quy định các cơ quan quản lý Nhà nước phải sớm ban hành quy chế để các trường xây dựng trước năm 2000 có quyền tự chủ ngay, chứ nếu áp theo những quy định theo luật chẳng biết bao giờ các trường mới tự chủ được?


Nhiều ĐB cho rằng, chất lượng cử nhân phải do xã hội và người sử dụng lao động đánh giá

Tuy nhiên, theo ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế), không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường bởi e ngại sẽ dẫn đến rối loạn.  “Việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ nên dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển”, ĐB Thông khẳng định.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM), nên ủng hộ các trường tự chủ tuyển sinh đầu vào song điểm sàn thì phải do Nhà nước quy định thống nhất. “Không để tình trạng đầu vào quá thấp, không đảm bảo đầu ra khiến xã hội nghi ngờ chất lượng như trường hợp Nam Định không tuyển công chức tốt nghiệp đại học dân lập”, ĐB Thúy nói.
Còn với ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên), việc cho phép tự chủ tuyển sinh đã được làm từ cách đây khoảng 10 năm. Và rồi mấy chục năm nay, biết bao thế hệ học sinh cứ bị thử nghiệm hết cách này đến cách khác mà vẫn chưa tìm ra phương án cuối cùng. Chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng phân tích, nếu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là rất không ổn. Bởi, các trường có rất nhiều chiêu tiếp thị để thu hút sinh viên. Do đó, nên cân nhắc phương án hợp lý để đảm bảo chất lượng chung. “Ở các nước, đầu vào ĐH rất nhẹ nhàng còn đầu ra rất quyết liệt. Nước ta thì ngược lại, đầu vào căng thẳng nhưng đầu ra không kiểm soát được”, ĐB Sinh phân tích.
Nên bỏ quy định “đào tạo không vì lợi nhuận”?
Quan tâm đến chất lượng giáo dục ĐH, ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, số lượng trường và sinh viên thời gian qua không ngừng tăng, nhưng số lượng giảng viên thì không tăng nhiều, dẫn đến tình trạng giảng viên “chạy xô”, giảng viên không mặn mà với chất lượng giáo dục. ĐB Hải đề nghị cần qui định rõ ràng giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên, tránh tình trạng giáo viên trường cao đẳng mới được nâng cấp tham gia giảng dạy đại học, sinh viên mới ra trường trúng tuyển viên chức tham gia giảng dạy thạc sĩ, gây nên nhiều bất cập và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo…
ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) và nhiều ĐB khác cùng đề nghị kiểm định chất lượng đào tạo phải trở thành yêu cầu bắt buộc với mọi cơ sở giáo dục đại học và được qui định cụ thể trong luật. Đồng thời, cần thành lập các cơ sở kiểm định độc lập để đảm bảo khách quan. Bởi chất lượng đào tạo thì báo động tới mức, nhiều cơ quan, tỉnh thành đã “nói không” với sinh viên tốt nghiệp dân lập. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo phải do xã hội và người sử dụng lao động đánh giá. Đó mới là thước đo chính xác. Do vậy, ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) đề xuất, nên có thêm quy định là các trường phải báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm hàng năm là bao nhiêu. Đồng thời, công khai đánh giá của sinh viên đối với chất lượng giảng dạy của giảng viên.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) lại cho rằng muốn xã hội hóa giáo dục thì phải bỏ qui định “đào tạo không vì lợi nhuận”. Theo ĐB Diệu, việc khuyến khích cơ sở ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận là không khả thi, qui định này làm các nhà đầu tư ái ngại, không muốn đầu tư cho giáo dục, do đó, chỉ nên cấm lợi dụng hoạt động giáo dục ĐH vì vụ lợi và chấm dứt việc mở trường, mở lớp không hợp lý như thời gian vừa qua.
Về việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và chất lượng giảng dạy và học tập, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thì những bất cập trong công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH trong thời gian quan đã đến mức phải báo động, tình trạng nhà nhà, ngành ngành mở trường ĐH, 63 tỉnh, thành đều có ĐH… cho thấy những bất hợp lý. Trong khi chất lượng đào tạo – khâu cốt yếu và quan trọng nhất liên thì giảm sút đến báo động. Đồng tình với luồng quan điểm này, ĐB Trịnh Thế Khiết đề nghị Bộ chủ quản trả lời câu hỏi với quy mô dân số như hiện tại, nhu cầu đào tạo của ta cần bao nhiêu trường ĐH là vừa. Việc ồ ạt cho mở trường trong thời gian qua (bình quân 11 trường/năm) dẫn đến nhiều trường mở ngành nhưng không tuyển nổi sinh viên. Có ý kiến cho rằng nên cấm mở thêm ĐH mới trong 5 năm tới.
Được biết, dự thảo Luật này sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Theo Thái Phương
(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)