Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Có nên xông mũi cho trẻ tại nhà?

Tạp Chí Giáo Dục

Cần cẩn trọng khi xông mũi cho trẻ tại nhà
Tự ý pha chế hỗn hợp nguyên liệu thuốc xông mũi tại nhà cho trẻ là việc làm mà BS cảnh báo có nguy cơ tử vong cao.
Tự ý pha chế nguyên liệu
Không chỉ mùa mưa mà ngay cả trong mùa nắng, sống trong môi trường ẩm ướt, trẻ cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Xông mũi cho trẻ tại nhà khi mắc bệnh ho, sổ mũi là việc mà các bà mẹ thường làm, tuy nhiên không lường trước những hậu quả do làm không đúng cách, không có chỉ định của BS. Các bà mẹ thừa nhận xông mũi cho trẻ tại nhà vừa tiết kiệm thời gian đi bệnh viện ngồi hàng giờ, vừa đỡ tốn một khoản tiền không nhỏ.
Thực tế hiện nay, tại một số phòng khám nhi tư nhân, BS cũng thoải mái kê toa kèm theo một loại thuốc dùng để xông mũi tại nhà. Đó cũng là lý do mà các bà mẹ tự tin làm theo. Chị Huỳnh Thị Thu Dung (ngụ đường số 4, cư xá Đô Thành, P.4, Q.3) cho biết vài lần đi bệnh viện, BS chỉ định đưa con sang phòng thủ thuật xông mũi. Thấy xông cũng đơn giản nên mua máy xông về làm tại nhà cho con. Chị Dung tự tin nói: “Cũng nghe người ta nói xông mũi tại nhà có thể gặp nguy hiểm cho trẻ nhưng tôi làm hoài, thấy bình thường”. Để có thuốc xông, chị Dung không phải mất thời gian đi bệnh viện, phòng khám mà chỉ cần ra nhà thuốc là có.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn mua một liều thuốc để xông mũi tại nhà thuốc tư nhân đơn giản như mua một liều thuốc ho, cảm mạo thông thường. Tuy nhiên, mỗi nơi bán mỗi loại, lượng thuốc cũng khác nhau với giá chỉ từ vài ngàn đồng/ liều. Đó là chưa kể không ít bà mẹ tìm đến “BS Google” hoặc những lời truyền tai, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng nguyên liệu xông. Theo đó, ngoài sử dụng nước muối sinh lý, người xông còn tự pha chế hỗn hợp thuốc cảm, kháng sinh và những loại thảo dược… 
Không nên xông mũi tại nhà
BS. Nguyễn Trọng Huỳnh, Phòng khám tai mũi họng Hưng Phát (Bình Dương) cho biết, không phải bất cứ lúc nào cũng có thể xông mũi mà phải có chỉ định của BS. Đi bệnh viện, BS chỉ định khi nào phải xông, xông bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và số lần xông trong ngày, tuần như thế nào cho phù hợp. Hơn nữa, sức khỏe, thể trạng của mỗi trẻ mỗi khác, phụ huynh nên đi BS để có chỉ định phù hợp với từng trẻ. BS. Huỳnh cho biết thêm, trên thế giới, xông mũi tại nhà được cho là phản khoa học, chỉ được tiến hành tại bệnh viện khi có sự đồng ý của BS chuyên khoa.
BS. Huỳnh cảnh báo: “Phụ huynh cứ nghĩ rằng, xông mũi tại nhà sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm một số bệnh từ dụng cụ xông. Đó là sai lầm của phụ huynh. Ở bệnh viện, dụng cụ xông được liên tục thay thế, vô trùng… còn ở nhà, phụ huynh không biết cách sử dụng, bảo quản cũng như vô trùng dễ dẫn đến hiện tượng dụng cụ bị nấm mốc, là nơi vi khuẩn phát sinh. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng nguyên liệu xông không đảm bảo vô trùng, tự độ liều lượng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ vì cơ thể không thích ứng, bị tác dụng phụ mà thường gặp nhất là tăng huyết áp (hoặc hạ), gây co thắt phế quản…”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Máy xông mũi: Loạn giá, chất lượng kém
Trên thị trường hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy xông mũi không khó, chỉ cần bỏ ra từ vài trăm ngàn đồng. Anh Nguyễn Hữu Tính, hiện đang quản lý doanh nghiệp tư chuyên cung cấp dụng cụ, thiết bị y tế gia đình tại TP.HCM khẳng định: “Chất lượng, độ bền của máy còn tùy thuộc vào các nhãn hiệu uy tín. Thực tế, máy xông mũi “hàng chợ” bán với giá bèo có nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí có những loại máy nhập khẩu đóng mác là của hãng này nhưng do một công ty khác sản xuất”. Cũng theo anh Tính, có trường hợp máy mua về sử dụng vài lần đã có dấu hiệu hỏng hóc, không sửa chữa được. Nguy hiểm hơn là máy bị rò rỉ điện trong khi sử dụng. 
Không chỉ có ở các cửa hàng chuyên bán dụng cụ, thiết bị y tế gia đình mà máy xông mũi được rao bán trên mạng với giá chỉ từ 700 ngàn đồng. Điều đáng lo ngại là không phải sản phẩm nào cũng được cơ quan chức năng quản lý chất lượng một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt.
 

Bình luận (0)