Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có nên xưng hô mày – tao?

Tạp Chí Giáo Dục

Một hôm, anh đồng nghiệp dạy cùng trường gặp tôi than: “Học sinh bây giờ không ưa giáo viên nào là chúng dùng đủ trò khiêu khích, thách thức giáo viên. Giáo viên không dày dạn kinh nghiệm, không đủ bản lĩnh rất dễ mất bình tĩnh, nổi nóng không kiềm chế được gây nhiều hệ lụy đáng tiếc”.

Ừ, thì “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” mà. Tuy nhiên, thời buổi công nghệ, những chiêu trò giờ có khác đôi chút, song với tính hiếu động và thiếu suy nghĩ chín chắn của học trò có lẽ ai bước vào nghiệp giáo viên đều nên hiểu và chấp nhận, khi đó sẽ thư thái và điềm tĩnh hơn trước áp lực của các em. Nói thế để thấy rằng, nghề nào cũng có quy luật của nghề đó. 

Anh đồng nghiệp kể tiếp như tự hào: “Một lần tôi hăm he học sinh nam đứng đầu gây rối, rủ rê lập nhóm khiêu khích, kích động đánh nhau trong trường “Mày định làm anh hai hả mày? Mày muốn thử với tao không?…”. Khi tôi nói thế, mấy học sinh trong nhóm im re. Bởi chúng gặp mặt giáo viên tại phòng giám thị sao dám lên tiếng cãi”. Sau vụ xử lý trên, tình hình nhà trường ổn định lại, nhiều thầy cô không thể hiện ra mặt nhưng rõ ràng đồng ý với cung cách “cũng đại ca” của anh đồng nghiệp.

Với nhiều giáo viên khi nổi nóng và thiếu kiềm chế thường mất tập trung trong buổi dạy học, nếu không giải tỏa được trong hôm đó thì gây nhiều áp lực ở buổi học sau.

Xưng hô mày – tao với học sinh chỉ làm các em sợ, vì chúng biết có một “đại ca” lớn hơn trong trường học, chứ ngoài phạm vi nhà trường các em sẽ tự tung tự tác. Lẽ tự nhiên các em thể hiện điều đó trong lứa tuổi bồng bột và chưa suy nghĩ trước sau. Cách xưng hô “thằng này, con kia” là thất bại của người thầy, là thất bại của giáo dục. Là sự bất lực trước việc dạy học trò, không còn hình ảnh của người dạy nhân cách. Nhiều khi thầy cô gọi vui với học sinh: “Ê lại đây tao bảo mày” cũng không nên chút nào. Có thể cách xưng hô và hành động như các trường hợp trên không làm ra những đứa trẻ “bạo hành ngôn ngữ” ngay, song về lâu dài là sự lên ngôi của bạo hành tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, gieo rắc nỗi sợ hãi trong trường học.

Việt Kiến Quốc (GV THCS tại TP.HCM)

Bình luận (0)