Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Có nghề vẫn thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Người lao động (LĐ) yếu tay nghề, chưa đảm bảo tính kỷ luật, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, ngại làm việc ngoài công trường… là những khó khăn thường gặp của doanh nghiệp (DN) đồng bằng sông Cửu Long khi tuyển dụng.

Công nhân kỹ thuật làm việc trên công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ) -Ảnh: Minh Giảng

Công ty Pepsico (KCN Trà Nóc, Cần Thơ) vừa tuyển 70 công nhân kỹ thuật trên tổng nhu cầu gần 200. Cán bộ nhân sự công ty cho biết nguồn tuyển từ các trường nghề, trung cấp ở TP Cần Thơ. Dù ứng viên trung cấp hay ĐH, công ty đều phải đào tạo lại ít nhất hai tháng bởi ứng viên chưa có kinh nghiệm thực tế. Ứng viên tốt nghiệp ĐH thường đánh giá khá cao bằng cấp của mình trong khi kiến thức có được chỉ là nền tảng cơ bản. Khoảng 30% các bạn trường nghề đã đi làm rồi được nhận ngay và có thể bắt tay làm việc được.

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Trong một hội nghị về dạy nghề gần đây, ông Võ Thanh Phong – nguyên giám đốc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ (Vinashin Cần Thơ) – cho biết: khảo sát thực tế ở Vinashin và một số đơn vị đóng tàu khu vực ĐBSCL cho thấy nhân lực ngành đóng tàu thiếu và yếu. Ngoại trừ một số ít kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao (khoảng 10%), phần lớn tay nghề đều yếu, tính chuyên môn và năng suất LĐ không cao, thiếu tác phong công nghiệp, tính tổ chức kỷ luật kém.

Theo ông Nguyễn Quốc Vững, chất lượng đào tạo không chỉ các trường nghề mà các trường từ trung cấp tới ĐH cũng đang có vấn đề. 35 ứng viên có trình độ từ trung cấp đến ĐH kế toán nộp hồ sơ xin việc đã được trung tâm cho làm một trắc nghiệm nhỏ: viết hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng. Kết quả: chỉ có một ứng viên viết đúng. Ứng viên này trình độ trung cấp, từng đi làm, trong khi những ứng viên còn lại vừa mới ra trường.

Ông Huỳnh Việt Dũng – phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Cần Thơ, cho biết các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ thu hút khoảng 40.000 LĐ 18-30 tuổi. Tuy nhiên chỉ có chưa tới 30% LĐ có tay nghề (trung cấp nghề trở lên), số còn lại đều là LĐ phổ thông. Đặc biệt lĩnh vực kỹ thuật như công nghệ thông tin, điện tử, dược phẩm… luôn thiếu hụt công nhân lành nghề, thợ kỹ thuật bậc cao.

Điều đáng suy nghĩ hơn, theo ông Nguyễn Quốc Vững – giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Cần Thơ, qua khảo sát riêng của trung tâm, hiện nay cung và cầu thợ bậc 3/7 trở lên tại ĐBSCL là tương đối cân bằng. Tuy nhiên nhiều DN vẫn không tuyển dụng được LĐ do phần lớn chỉ muốn làm việc tại văn phòng, công xưởng, không chịu làm việc ngoài công trường dẫn đến tình trạng nhiều LĐ có nghề nhưng vẫn thất nghiệp. Ông Vững cho biết thêm đối với các ứng viên từ trường nghề, DN thường phàn nàn về thái độ làm việc, tính kỷ luật. Họ không đòi hỏi cao, chỉ yêu cầu ứng viên nhiệt tình, ham học hỏi và cầu thị.

Kỹ năng và văn hóa nghề

Theo ông Phong, nguyên nhân tay nghề của ứng viên yếu là do chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, quá chú trọng vào lý thuyết, thiếu máy móc hiện đại để thực tập nên khi tuyển dụng DN phải đào tạo lại tối thiểu ba tháng. Ông Phong đề xuất các trường cần phối hợp với DN nhằm xây dựng kế hoạch đào tạo, đưa sinh viên đến thực tập… Ông Dũng đề xuất nên tổ chức các khóa đào tạo bổ túc nghề ngắn hạn nhằm nâng cao tay nghề, cũng như bám sát nhu cầu thực tế của DN.

Đồng thời quan trọng hơn, theo ông Vững: “Nhà trường nên giáo dục kỹ năng cũng như văn hóa nghề để học sinh tiếp cận và thích ứng, tránh trường hợp có nghề mà thất nghiệp như hiện nay. Hiện trung tâm đã phối hợp với Trường CĐ Nghề Cần Thơ tổ chức tư vấn về các kỹ năng cũng như văn hóa ứng xử nghề cho sinh viên sắp ra trường”. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ông đề xuất chỉ nên giao việc đào tạo cho các đơn vị chuyên nghiệp. Các tổ chức không chuyên, đoàn thể, DN tư nhân tham gia tuy có lợi trước mắt là xã hội hóa được công tác đào tạo nhưng lại khó quản lý về chất lượng.

Một cán bộ nhân sự Công ty Pepsico chia sẻ: “Sinh viên mới ra trường cần xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì. Các bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, chưa đóng góp nhiều cho công ty thì khó yêu cầu mức lương cao”. Người cán bộ này khẳng định: “Có thể các bạn sinh viên thiếu kinh nghiệm, nhưng nhà tuyển dụng vẫn tuyển bởi họ mong mỏi các LĐ trẻ có trình độ này sự chịu khó và có động lực học hỏi”.

MINH GIẢNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)