Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Có người cho rằng, chúng tôi khoác lác

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nguyễn Tử Quảng, ông chủ hãng an ninh mạng với phần mềm diệt virus Bkav đang được đưa sang thị trường Mỹ vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi.

Nguyễn Tử Quảng đang trao đổi cùng nhân viên tại bộ phận chăm sóc khách hàng. Ảnh: P.T.

Microsoft của Việt Nam

Nguyễn Tử Quảng cho rằng, tại thị trường nội địa, có thể khẳng định, Bkav đang đứng ở vị trí áp đảo. Kết quả khảo sát thị trường cuối 2009, đầu 2010 của chúng tôi cho thấy Bkav chiếm 85% thị phần thị trường phần mềm diệt virus có bản quyền ở Việt Nam. Một nghiên cứu độc lập khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu tháng 5 cũng cho thấy, có 73,95% doanh nghiệp trên toàn quốc sử dụng Bkav, bỏ xa phần mềm thứ hai là Kaspersky của Nga (chỉ có 13,6%). Tiếp đó là Symantec của Mỹ với 8,6%.

Nói như thế nghĩa là chất lượng sản phẩm của anh thậm chí hơn cả phần mềm diệt virus của các hãng nổi tiếng toàn cầu?

Chất lượng phần mềm của Bkav bình đẳng với các phần mềm nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng của chúng tôi phải nói chưa có công ty phần mềm diệt virus nào có được. Từng khách hàng dù mỗi năm chỉ phải trả 299.000 đồng nhưng luôn được các nhân viên hỗ trợ mọi vấn đề gặp phải, cả khi máy tính của họ bị nhiễm những loại virus mới. Trong khi đó khách hàng của các công ty phần mềm diệt virus nước ngoài phải trả tới 100 đô la cho mỗi lần hỗ trợ như vậy.

Nhưng chính trong giới công nghệ thông tin có nhiều ý kiến công kích rằng, Nguyễn Tử Quảng nói quá về sản phẩm của mình, thậm chí gọi anh là Quảng “nổ”…

Thực tế tôi được nghe rất nhiều và có cái còn cực đoan hơn nữa. Cái đó tôi cho là bình thường trong môi trường hiện nay ở Việt Nam. Tôi coi đó là những thử thách phải vượt qua.

Ở Việt Nam, các công ty sản xuất sản phẩm an ninh mạng rất ít. Chúng ta quen dùng của nước ngoài nhập về. Mọi người chưa quen với các sản phẩm do Việt Nam làm ra nên niềm tin vào các sản phẩm công nghệ cao của chúng ta chưa có. Về công nghệ, tôi xin khẳng định phần mềm của mình tốt hơn các phần mềm nước ngoài có tiếng trên thị trường hiện nay. Có những loại virus trên thế giới dạng “siêu đa hình” nhưng phần mềm của họ chỉ nhận diện chứ không diệt được trong khi Bkav có thể ngăn chặn và bóc virus sạch sẽ khỏi máy.

Họ còn nói đội ngũ làm phần mềm của anh tuy đều rất trẻ, nhiệt huyết, nhưng trình độ thì thường thôi…

Ai có thể tin khi Google đưa ra trình duyệt Google Chrome được cả thế giới biết đến nhưng chỉ sau ba ngày Bkis đã tìm ra lỗ hổng, dù đến nay Chrome vẫn được coi là trình duyệt có độ an ninh tốt nhất.

Đến tháng 7-2009, cả thế giới xôn xao trước việc các website của Mỹ và Hàn Quốc bị tấn công, nhưng cũng rất khó tin là Bkis của Việt Nam lại tìm ra được địa điểm phát động các cuộc tấn công. Với phần mềm diệt virus cũng vậy, chúng tôi làm từ 15 năm nay khi các phần mềm diệt virus còn rất sơ khai.

Tiếc vì không thương mại hóa sớm hơn

Cũng ra đời cùng thời gian với Bkis cách đây 15 năm nhưng Symantec hiện là phần mềm nổi tiếng thế giới?

Trên các diễn đàn, người ta cũng chỉ trích là Bkis ra đời cùng thời điểm với Symantec và Kaspersky nhưng đến giờ tiếng tăm chưa ra sao trên thế giới. Điều kiện của họ là ở Mỹ, ở Nga, môi trường, hạ tầng, mọi thứ đều khác. Nhớ lại năm 1995 khi Bkis mới bắt đầu lập nghiệp, khái niệm thị trường vẫn chưa được nhắc đến. Sau này thấy tiếc giá thời điểm đó thương mại hóa sản phẩm luôn thì giờ danh tiếng của Bkav chắc đã có thể trong top các phần mềm hàng đầu thế giới. Nhưng khi đó nhìn xung quanh tìm những người giỏi về chuyên môn, về kinh doanh không có nhiều. Chúng tôi đã tự đào tạo người mình cần.

"Giờ nếu tìm kiếm trên Google cái tên Nguyễn Tử Quảng thì tự khắc dính kèm lời bình “nổ” ở đằng sau trong khi trước đây thì có cụm từ “hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Tôi luôn tìm đến bản chất vấn đề và hiểu trong xã hội hiện nay phải chấp nhận điều đó là sự thật khách quan. Vì vậy cũng có những lần thấy hơi nản nhưng cảm giác đó qua rất nhanh." – Nguyễn Tử Quảng

Cũng cần nói, khi đó virus máy tính ít hơn bây giờ, mỗi tháng chỉ xuất hiện 2-3 mẫu virus mới. Nay một ngày có hàng nghìn virus mới. Một mình thì không xuể và cần có đội ngũ chuyên nghiệp.

Khi bắt đầu thương mại hóa sản phẩm, anh có nghĩ đến kế hoạch đưa sản phẩm của mình ra thế giới?

Hoàn toàn không. Nếu nghĩ được như vậy thì tôi đã xúc tiến nhanh hơn nữa. Năm 2000 mình biết phải thương mại hóa mới phát triển nhưng chưa nghĩ là có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Hồi đó cứ viết được phần mềm nào mới là gửi email đi thông báo cho dùng miễn phí hết.

Khi ấy tôi cũng mới tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính ĐH Bách khoa Hà Nội được vài năm. Cản trở rất lớn là không có nguồn lực nên tôi bắt tay vào đào tạo nhân viên và tự học về truyền thông, marketing và kinh doanh. Phải mất 5 năm sau mới có cái cơ bản nhất. Khi đó tôi vẫn suy nghĩ là viết phần mềm giúp mọi người khắc phục những rắc rối do virus gây ra trong quá trình sử dụng. Đến năm 2007-2008 mới phát hiện phần mềm của mình không thua kém phần mềm có tiếng trên thế giới nào cả, nhớ lại vào những năm 90 cũng đã có nhiều loại virus khó mà chỉ có Bkav diệt được, trong khi phần mềm của các hãng ra đời cùng thời với Bkav và trở thành sừng sỏ hiện nay không diệt được.

Lúc ấy tôi mới nảy ý tưởng tại sao không cạnh tranh với họ trên phạm vi toàn cầu. Nếu không có quyết định “không đi không thành đường” đó thì đến nay chắc sản phẩm Bkav vẫn vậy. Tôi xác định từ đầu phải có hệ thống bền vững, không làm chộp giật nên chúng tôi dù có làm kinh doanh vẫn có cả ý chí dân tộc. Mục đích của chúng tôi là xây dựng sản phẩm này có thương hiệu toàn cầu đi kèm với lợi nhuận.

Và anh “đấu” với đối thủ thế nào?

Khi có ý tưởng manh nha đó cũng là lúc các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào Việt Nam. Đầu tiên là Trend Macro, McAfee rồi KingSoft. Đến 2006, Bitdefender chính thức nhảy vào cạnh tranh với Bkav, năm 2008 là Kaspersky và cuối 2009 đến lượt Symantec mở rộng hoạt động. Càng đấu với các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, chúng tôi càng tự tin hoàn toàn có thể cạnh tranh được với họ. Các phần mềm nước ngoài kể trên dần bị loại khỏi cuộc chơi, vắng bóng trên thị trường, giờ chỉ còn lại Kapersky và Symantec.

Kế hoạch để đưa sản phẩm ra quốc tế được thực hiện đến đâu rồi, thưa anh?

Trong 2 năm qua, chúng tôi đã hoàn thành cơ bản giai đoạn một về xây dựng thương hiệu, uy tín về an ninh mạng nói chung. Giai đoạn hai, trong tháng 7 hoặc tháng 8 chúng tôi sẽ đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Chúng tôi biết sẽ còn rất nhiều chông gai phía trước và cần chiến lược phù hợp để đảm bảo chắc thắng. Trước mắt sản phẩm sẽ được hướng tới thị trường Mỹ. Hiện chúng tôi đã đăng ký thương hiệu ở nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi đã đăng ký thương hiệu ở Mỹ, Úc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và một số nước châu Âu.

Mới cách đây hơn 1 năm thôi, mỗi khi có cảnh báo virus mới từ Bkis được các tạp chí uy tín về CNTT của thế giới như Cnet, PCWorld… dẫn lại, họ thường phải kèm thêm cụm từ “a Vietnamese company” (một công ty của Việt Nam) để giải thích rõ hơn về chúng tôi. Cũng lưu ý là người ta chỉ nói “Symantec” hay “Kaspersky” chứ có bao giờ giải thích là công ty của Mỹ hay của Nga đâu. Trong khi công ty Việt Nam thì lại cần một cụm từ giải thích. Nhưng mấy tháng qua, khi dẫn lại thông tin cảnh báo virus mới, họ chỉ nói thông tin được phát ra từ Symantec, Kaspersky và Bkis mà không cần cụm từ giải thích kèm theo tên Bkis rằng đây là một công ty ở Việt Nam nữa. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đã được thừa nhận ngang hàng với các công ty an ninh mạng nổi tiếng thế giới.

Chinh phục thị trường Mỹ

Anh từng tuyên bố Bkis sẽ trở thành Microsoft của Việt Nam?

Điều này tôi nghĩ hoàn toàn khả thi vì nó đúng với những gì chúng tôi đang làm hiện nay. Ngoài sản phẩm chủ lực là phần mềm diệt virus, chúng tôi cũng đang phát triển các mảng khác như Chính phủ điện tử, eOffice, eGate, ePortal…

Chúng tôi cũng tham gia cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số để thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử ở các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế những sản phẩm này chúng tôi xây dựng để sau khi định vị tốt ở thị trường trong nước thì sẽ đưa ra cạnh tranh toàn cầu.

Ở Việt Nam có rất nhiều lời tuyên bố được đưa ra khi ra mắt các sản phẩm mới với khẳng định sẽ lật đổ, thay thế… sản phẩm của các hãng lừng danh thế giới nhưng thực tế sau một vài năm thì mọi việc không phải như vậy?

Đúng thế. Nhưng vấn đề là nơi nào phát ra tuyên bố đó. Chúng tôi cũng từng tuyên bố phần mềm diệt virus của Việt Nam là Bkav tốt hơn Symantec hay Kaspersky. Và rõ ràng là chúng tôi đúng. Bằng chứng là thị phần của Bkav ở trong nước chiếm gần như tuyệt đối như tôi nói ban đầu.

Triết lý kinh doanh của anh là gì?

Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì hữu ích cho xã hội. Thực tế chúng tôi xuất phát không phải từ một công ty kinh doanh từ ban đầu. Khi ra đời chúng tôi chỉ là một nhóm cung cấp phần mềm miễn phí. Đến nay triết lý đó vẫn xuyên suốt như vậy, đem lại lợi ích cho xã hội thì chúng tôi sẽ làm. Hiển nhiên bên cạnh đó lợi ích của mình và những người xung quanh sẽ có và chúng tôi chỉ coi đó là hệ quả. Nếu không thương mại hóa sản phẩm và chỉ cung cấp phần mềm miễn phí thì Nguyễn Tử Quảng vẫn cứ mãi là Hiệp sĩ đơn độc và chỉ có thể giúp được vài ngàn người thôi thay vì hàng triệu người.

Lẽ sống

Trong 15 năm đầu tư công sức vào lĩnh vực diệt virus, đã lúc nào anh cảm thấy chán nản?

Với tôi, tìm đến những chân trời mới trong nghiên cứu ra những sản phẩm hàng đầu là lẽ sống của tôi. Bây giờ, niềm đam mê nữa của tôi là Việt Nam có một thương hiệu toàn cầu.

Chúng tôi coi việc phát triển sản phẩm là cuộc sống, niềm đam mê với sự góp sức của hàng trăm con người để vượt qua những trở ngại nhiều khi rất vô duyên, phi lí. Ví dụ như chúng tôi thường xuyên nhận được những thông tin cho rằng chúng tôi khoác lác, nổ, nói phét… Những thông tin này vẫn được đưa ra ngay cả khi chúng tôi tìm được những lỗ hổng nguy hiểm trên các phần mềm nổi tiếng thế giới hay khi tìm ra được nguồn gốc vụ tấn công các website của Hàn Quốc và Mỹ.

Giờ nếu tìm kiếm trên Google cái tên Nguyễn Tử Quảng thì tự khắc dính kèm lời bình “nổ” ở đằng sau trong khi trước đây thì có cụm từ “hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Tôi luôn tìm đến bản chất vấn đề và hiểu trong xã hội hiện nay phải chấp nhận điều đó là sự thật khách quan. Vì vậy cũng có những lần thấy hơi nản nhưng cảm giác đó qua rất nhanh.

Có phải danh hiệu “hiệp sĩ công nghệ thông tin” đã buộc anh làm như vậy?

Thực tế những danh hiệu và uy tín cá nhân thì tôi đều coi đấy là hệ quả và không nghĩ nhiều về nó. Ví dụ hôm nay có nơi công nhận thành công này của chúng tôi, ngày mai đã thấy chúng tôi đang làm, miệt mài với thứ gì đó khác rồi.

Cảm ơn anh.

Hải Hà – Phạm Tuyên (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)