Thông tư 32/2009/TT- BGDĐT của Bộ GD – ĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đã được hai năm học. Nhà trường thực hiện quy định này theo hướng dẫn của các cấp quản lý là Sở GD-ĐT và trực tiếp là Phòng GD-ĐT.
Năm học 2010-2011, trong văn bản Hướng dẫn công tác chuyên môn cấp Tiểu học chuẩn bị kết thúc HK I năm học 2010 – 2011 của Phòng GD-ĐT nơi tôi công tác có yêu cầu (nguyên văn): “Việc chấm bài phải chính xác và phải có lời nhận xét của giáo viên chấm bài về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm hạn chế, những điểm cần cố gắng về kiến thức hoặc kỹ năng; không dùng những từ ngữ gây tổn thương cho học sinh (theo Thông tư số 32).
Phòng GD&ĐT khuyến khích các trường phân công giáo viên chủ nhiệm chấm bài của học sinh mình để tự chịu trách nhiệm (đối với trường hợp giữ nguyên lớp khi tổ chức kiểm tra). Riêng trường hợp chia phòng và xếp tên theo mẫu tự (cả khối lớp) cần tổ chức chấm tập trung.
Tất cả các bài kiểm tra phải được rọc phách trước khi chấm.” (Đây là điểm khác với văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT)
Với yêu cầu “Tất cả các bài kiểm tra phải được rọc phách trước khi chấm”, mặc dù bắt buộc phải thực hiện nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều là có cần thiết phải như vậy không? Bởi lẽ :
1. Nếu đã giao cho giáo viên chủ nhiệm chấm bài của học sinh mình thì việc rọc phách chỉ còn mang tính hình thức, mất thời gian và công sức mà không đem lại hiệu quả gì. Vì với lớp học khoảng 30-35 học sinh và việc chấm bài thường xuyên hằng ngày, giáo viên thừa khả năng nhận ra bài nào là của học sinh nào.
2. Trong khi yêu cầu “Việc chấm bài phải chính xác và phải có lời nhận xét của giáo viên chấm bài về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm hạn chế…” rồi lại “phải rọc phách trước khi chấm” thì rất khó cho giáo viên. Vì giả sử việc rọc phách có tác dụng (giáo viên không biết bài của học sinh nào) thì làm sao nhận xét được về sự tiến bộ của học sinh.
3. Đã khuyến khích giáo viên tự chấm bài học sinh mình thì có nên tin tưởng để họ tự chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh họ chủ nhiệm hay không?
Điều băn khoăn này tôi mong muốn được các bạn đồng nghiệp cùng chia sẻ trong “Nhịp cầu sư phạm”.
Thân Văn Trọng
Bình luận (0)