Em Phan Ngọc Thảo |
Ngày 8-5-2009 tới đây, Lâm Đồng có 3 HS lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam lên đường tham dự hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế của Intel (gọi tắt là Intel ISEF) tại thành phố Nevada (Hoa Kỳ). Một hội thi khoa học thế giới lớn nhất và duy nhất toàn cầu dành cho HS phổ thông từ lớp 9 – 12, do Hiệp hội Cộng đồng (Society for Science & Public) tổ chức. Trước lúc đoàn lên đường, tôi đã gặp gỡ cô nữ sinh nhỏ nhắn – tác giả một trong 2 đề tài khoa học dự hội thi vinh quang này…
1. Tôi về Trường THPT Đức Trọng để tìm gặp cô nữ sinh Phan Ngọc Thảo (lớp 11A3), chủ nhân đề tài khoa học “Ảnh hưởng của game online đến nhân cách HS THPT”. Thảo cho biết, em đang gấp rút chuẩn bị báo cáo đề tài dự thi của mình bằng tiếng Anh trước Hội đồng thẩm định khoa học của tỉnh tại Sở GD-ĐT ngày 28-4 này.
Xuất phát từ đâu và bao giờ, Ngọc Thảo chọn để “thử sức” một đề tài có tính thời sự (dù không mới) nhưng đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay để dự thi? Ngọc Thảo cho biết: cũng “tình cờ”, trong đợt tham gia cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh mới đây, (em tham gia thi môn tin học lớp 12). Trong thời gian đó, Trường THPT Đức Trọng triển khai cho HS toàn trường đăng ký đề tài, ý tưởng khoa học tham gia xét tuyển toàn tỉnh để chọn dự hội thi Intel ISEF và em đăng ký tham gia.
Theo cô giáo Vũ Anh Minh Trang, người giúp đỡ em Thảo rất nhiều cho biết: Do Trường THPT Đức Trọng triển khai hội thi chậm hơn các trường khác nên đề tài của Ngọc Thảo ban đầu phác họa những ý tưởng mang tính sơ khảo của một học trò về một vấn đề xã hội (chỉ mới là dàn ý, chưa được đầu tư công phu). Trong 8 đề tài, ý tưởng khác của HS được BGH Trường THPT Đức Trọng chọn (trong tất cả 15 đề tài cấp trường) tham gia vòng sơ khảo (lần I) cấp sở, thì đề tài của Ngọc Thảo chưa được đánh giá cao. Nhờ tính cấp thiết và giá trị thực tiễn đề tài dự thi của Ngọc Thảo đã được Hội đồng khoa học tỉnh Lâm Đồng chọn vào vòng trong. Sau khi trở về từ hội thảo lần thứ I, cô trò Ngọc Thảo bắt tay vào việc xây dựng lại bố cục đề tài, tra cứu tư liệu, sưu tầm các dữ liệu từ nhiều nguồn và tập trung viết đề tài.
2.Niềm vui vốn đến bất ngờ! Trong 27 đề tài khoa học dự thi của HS các trường gửi về Sở GD-ĐT Lâm Đồng và qua 3 lần thẩm định (thuyết trình bằng tiếng Việt và bằng Anh ngữ) trước Hội đồng khoa học cấp tỉnh, gồm nhiều nhà khoa học tên tuổi và đại diện chương trình Intel, đề tài của Ngọc Thảo là một trong hai đề tài của HS Lâm Đồng được chọn duy nhất và lần đầu tiên đại diện cho HS Việt Nam tham dự hội thi Khoa học trẻ toàn cầu lần thứ 59, sẽ diễn ra tại thành phố Nevada – Hoa Kỳ vào đầu tháng 5-2009. Điều đáng nói thêm là so với đề tài “Nhân giống, vận chuyển và phân phối giống cây trồng bằng kỹ thuật vi thủy canh” là một đề tài tập thể do hai HS lớp 12 Trường chuyên Thăng Long – Đà Lạt đồng chủ thể thực hiện nên có nhiều lợi thế về mọi mặt. Còn đối với Phan Ngọc Thảo làm chủ một đề tài, tự chuẩn bị và bảo vệ đề tài, trong khi em chỉ mới học lớp 11 và tuổi đời thấp hơn… Xúc động trước niềm vui và băn khoăn mọi thứ chuẩn bị trước khi sang xứ người tham gia trận “thử lửa”, Phan Ngọc Thảo tâm sự: “Dù biết lần đầu tham gia hội thi lớn toàn cầu, mình sẽ gặp những khó khăn, nhưng em hứa sẽ cố gắng hết mình. Em biết, đây là niềm vinh dự, một “phần thưởng” không phải ai trong đời cũng có được, nhưng cũng là thử thách đối với em…”.
Ông Lê Phú Súy, Hiệu trưởng nhà trường em Thảo cho biết: Qua trường hợp em Phan Ngọc Thảo có mặt tham gia hội thi lần này sẽ tác động tích cực đến việc học tập, nghiên cứu khoa học trong giới HS của nhà trường. Triển khai công nghệ thông tin trong toàn trường đang là hoạt động mà nhà trường rất quan tâm và sẽ đẩy mạnh trong những năm học tới. Nhà trường cùng với gia đình tạo những điều kiện tốt nhất để Phan Ngọc Thảo lên đường đến với hội thi.
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)