Bị cáo Hoàng Nữ Thanh Thủy trước phiên tòa |
Bên cạnh những người biết vượt lên số phận để thoát khỏi cái sự nghèo khó và được xã hội ghi nhận, thì cũng có không ít người lấy lý do đó để biện minh cho tội lỗi của mình.
1. Sinh ra và lớn lên tại Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, vì gia đình quá khó khăn nên Hoàng Nữ Thanh Thủy (sinh năm 1982) sớm bỏ học, lao vào cuộc mưu sinh để nuôi khát vọng “đổi đời”. Thế nhưng, cuộc mưu sinh vất vả mà vẫn không thoát được cái nghèo khiến cho Thủy mau chóng nản lòng. Năm 2004, mặc dù đã có chồng con, Thủy vẫn quyết tâm rời bỏ gia đình để một thân lặn lội về TP.HCM lập nghiệp theo sự rủ rê của Phượng – người chị họ vốn là một cô gái giang hồ hành nghề trộm cắp, cướp giật.
Tham gia băng nhóm, Thủy được Phượng “chỉ vẽ” tận tình những chiêu lừa gạt, đặc biệt là dàn cảnh đụng xe để móc túi người đi đường. Vào tháng 11-2004, khi giả vờ đụng vào xe anh H. trên đường Trần Não, Q.2, lợi dụng sơ hở của “con mồi”, đồng bọn Thủy móc túi anh H. được hơn 30 triệu đồng. Ngay sau đó, băng nhóm này bị bắt giam chờ TAND TP.HCM xét xử, riêng Thủy đã tẩu thoát.
Trong thời gian bỏ trốn, với những kinh nghiệm học được, Thủy tiếp tục xây dựng một băng nhóm khác và tiếp tục thực hiện những phi vụ tương tự trên địa bàn Q. Bình Thạnh. Sau khoảng 5 vụ thành công, Thủy và đồng bọn cũng bị sa lưới pháp luật. TAND Q. Bình Thạnh tuyên phạt Thủy 2 năm tù giam. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện Thủy đang có lệnh truy nã trong vụ án với tổ chức của Phượng nên phục hồi cuộc điều tra đối với Thủy.
Tại phiên tòa sáng 13-3-2010, TAND TP.HCM cho biết hành vi Thủy đã xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của người dân và là mối lo, sự hiểm nguy cho toàn xã hội. Do đó, Tòa tuyên phạt Thủy tổng cộng 4 năm tù giam cho hai bản án.
2. Cũng vì hoàn cảnh quá nghèo, bố lượm ve chai, mẹ thất nghiệp còn các anh chưa ai có việc làm ổn định, Nguyễn Anh Quốc (sinh năm 1991), tạm trú tại huyện Nhà Bè, TP.HCM bỏ học từ năm lớp 6. Để có tiền tiêu xài, Quốc gia nhập băng nhóm chuyên trộm cắp tài sản.
Sau khi trộm được một chiếc xe gắn máy tại Q.7 vào cuối tháng 1-2008, Quốc được nhóm chia cho 300 ngàn đồng. Thành công của phi vụ đầu khiến Quốc tin rằng đây là con đường duy nhất để mình vượt qua nghèo khó. Nửa tháng sau, Quốc lại tiếp tục làm nhiệm vụ cảnh giới cho đồng bọn xâm nhập vào một nhà dân tại huyện Nhà Bè thực hiện hành vi trộm cắp. Lấy được một xe gắn máy, điện thoại di động và một ví da có 700 ngàn đồng, Quốc được chia 400 ngàn đồng.
Tháng 8-2008, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt đồng bọn của Quốc từ 1 năm 6 tháng đến 5 năm tù giam về tội “trộm cắp tài sản”. Thời gian này, Quốc bỏ trốn về Vĩnh Long ở với gia đình. Đến tháng 9-2009, Quốc bị bắt theo lệnh truy nã. Tại phiên tòa cũng diễn ra sáng ngày 13-3-2010, Tòa tuyên án Quốc 1 năm tù giam.
3. Xét hành động bỏ trốn của các bị cáo, TAND TP.HCM cho rằng, mặc dù đây không phải là tình tiết tăng nặng song lại chính là thái độ sống, sự chống đối pháp luật của cả hai, do đó cần xét xử đúng người, đúng tội nhằm loại bỏ mối lo cho xã hội. Có mặt ở cả hai phiên tòa, tôi không khỏi ái ngại khi cả Thủy, Quốc liên tục đổ lỗi do hoàn cảnh để biện minh cho hành vi của mình. Liệu có phải cái nghèo, sự thiếu ăn thiếu mặc đã khiến họ lao vào vòng lao lý khi tuổi đời còn quá trẻ?
Đơn độc trong ngày xử án, những giọt nước mắt muộn màng của Thủy không nói lên được điều gì khi cô không hề có một người thân nào bên cạnh. Thủy cho biết cô chỉ nhận được vài ba bộ áo quần mà người thân gửi cho trong những ngày tạm giam, nhưng lại thông qua… một người quen của gia đình mà cô chưa từng tiếp xúc. Sự hờ hững của người thân có lẽ sẽ là bản án dai dẳng, đau đớn nhất dành cho Thủy trong chuỗi ngày phía trước. Còn Quốc, vì gia đình có công với cách mạng nên được giảm nhẹ mức phạt. Thế nhưng, điều đó càng làm cho ông D. – cha của Quốc thêm ngậm ngùi. Đến dự phiên tòa xét xử con, lòng bao dung của người cha khiến ông D. luôn tự nhận tội của con là do lỗi ở mình, sự bất lực của bản thân trước hoàn cảnh nghèo khó không thể chăm lo cho con học hành tới nơi tới chốn.
Bài, ảnh: TUYẾT DÂN
Bình luận (0)