Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Hết đường “cài số lùi”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần đây được thực hiện liên tục cho thấy sự quyết tâm cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được thể hiện bằng hành động. Việc nhiều phiên đấu giá thu hút đông đảo nhà đầu tư quan tâm đã tạo những tín hiệu vui về mục tiêu hoàn thành CPH 432 DNNN trong giai đoạn 2014 – 2015.

IPO thu hút nhà đầu tư

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức gần 20 phiên IPO của các DN. Trong đó, chỉ riêng tháng 3, số DN tiến hành IPO đã chiếm 2/3 trong 3 tháng. Phần nhiều trong đó là các DN hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng với những tên tuổi như: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5, Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long…

Tại phiên đấu giá Công ty mẹ – Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam, 51 triệu cổ phần được chào bán, song kết quả chỉ bán được hơn 1,5 triệu cổ phần – tương đương khoảng 3%. Việc rủi ro của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, khả năng không bán hết cổ phần đã được lãnh đạo DN này lường trước. Song điều quan trọng, theo ông Nguyễn Hải Trung, Trưởng ban cổ phần hóa DN này, việc CPH công ty mẹ nhằm thực hiện mục tiêu: huy động và thu hút vốn đầu tư của các cá nhân, các tổ chức kinh tế để tạo nguồn lực phát triển doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý, nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện mới.

Theo thống kê, trong số gần 20 phiên đấu giá, dù chưa đến 30% DN bán hết số cổ phần chào bán nhưng điểm sáng là các phiên đấu giá đã thu hút hàng nghìn lượt nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trong đó, phiên đấu giá của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 có 668 nhà đầu tư đăng ký tham gia, con số này của Tổng công ty Viglacera là 608, Công ty mẹ – Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam là 126… Điều đó cho thấy, dù thị trường chứng khoán vẫn chưa thoát qua khó khăn nhưng các phiên IPO vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Đáng chú ý là trường hợp Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) chào bán 2.600.300 cổ phần nhưng số lượng đặt mua hợp lệ lên tới 17.167.000 cổ phần (gấp 6,6 lần) và có nhà đầu tư sẵn sàng trả giá lên tới 24.000 đồng/cổ phần (gấp 2,4 lần giá khởi điểm).

Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần cao su Bến Thành sản xuất ổn định. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn, để huy động dòng tiền của nhà đầu tư trong các phiên đấu giá cổ phần, cần có các giải pháp huy động vốn từ nội địa. Chỉ khi nhà đầu tư nội địa tham gia mới kêu gọi tiêu dùng hàng nội. Cũng theo ông Tuất, tiền trong dân cư vẫn “quanh quẩn đâu đó”, do vậy, giá bán cổ phần không quan trọng bằng việc kích thích người Việt mua cổ phiếu thay vì để tiền nhàn rỗi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút nhà đầu tư, điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các số liệu báo cáo tài chính, đánh giá, thẩm định DN… trong đó có sự tham gia của các tổ chức định giá, kiểm toán uy tín. Bên cạnh đó, điểm quan trọng khác cũng cần được lưu ý trong CPH là mục tiêu đại chúng hóa, đa sở hữu DNNN, để từ đó DN có thay đổi quản trị. Do đó, không nên đặt nặng việc bán theo giá nào mà tôn trọng quy luật cung cầu thông qua hoạt động đấu giá và để thị trường xác định giá mua – bán.

Xác định trách nhiệm

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ năm 2011 đến hết 2013, cả nước đã CPH được 99 DN, trong khi đó, số DN phải CPH trong 2 năm 2014 – 2015 là 432 DN, bình quân 216 DN/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, hàng loạt biện pháp mạnh mẽ đã được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết 15 của Chính phủ ban hành đầu tháng 3. Tại văn bản này, Chính phủ yêu cầu phải xác định trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chủ tịch hội đồng thành viên… nếu tiến trình chậm. Ngoài ra, tại hội nghị CPH DNNN tổ chức trung tuần tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu DN nào chần chừ trong thực hiện CPH “thì mời làm việc khác”.

Để hoàn thành mục tiêu CPH, theo ông Phạm Viết Muôn – Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cần thực hiện giải pháp đột phá. Trong đó, giải pháp được đưa ra là những DN có điều kiện IPO thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với cổ đông là nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác… Mục tiêu chính là thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường khi có điều kiện thì đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Song, theo ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc CPH DNNN phải có cổ đông chiến lược thì DN mới có sự thay đổi, còn CPH mà cổ đông là tổ chức công đoàn thì mới chỉ thay đổi về mặt pháp lý hình thức kinh doanh. Điều này cũng gây ra những lo ngại về bản chất của việc thay đổi quản trị DN.

Bộ GTVT là cơ quan đi đầu trong việc CPH DNNN khi chiếm đến gần 50% con số 99 DN đã CPH. Điều thúc đẩy các DN thuộc bộ này là sự quyết liệt trong việc sẵn sàng thay đổi lãnh đạo DN nếu chần chừ trong CPH. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, bài học cách chức nếu được áp dụng triệt để với người không hoàn thành nhiệm vụ thì các bộ, ngành, địa phương có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra và mục tiêu CPH 432 DN không phải là bất khả thi.

Ở khía cạnh khác, theo các chuyên gia, CPH là một chuyện, còn để DN thay đổi quản trị, hiệu quả hơn trong hoạt động thì tỷ lệ sở hữu của nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong DN mới đóng vai trò quan trọng. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, DN mà Nhà nước không cần giữ chi phối thì dứt khoát không nắm giữ. Việc Nhà nước không nắm cổ phần chi phối sẽ thuận lợi hơn cho DN trong việc kêu gọi nhà đầu tư bên ngoài. “Nếu nhà nước vẫn giữ chi phối thì CPH, sắp xếp chỉ là làm nửa vời”, ông Thăng nói.

QUANG MINH (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)