Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cổ phiếu khoáng sản: Nhìn từ con số

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cổ phiếu khoáng sản đang là tâm điểm chú ý khi liên tục tạo bất ngờ trên thị trường.

Trong khi thị trường đang suy giảm thì nhóm cổ phiếu khoáng sản lại lội ngược dòng khá ngoạn mục. Giá cổ phiếu BMC (Khoáng sản Bình Định) đã có lúc tăng trần liên tục 11 phiên, từ 20.200 đồng/cổ phiếu (10/3) tăng vọt lên 33.400 đồng/cổ phiếu (24/3). Giá HGM (Khoáng sản Hà Giang) cũng chỉ giảm 6 trong tổng số 24 phiên của tháng 3. Hiện tại, giá của HGM đang ở mức 94.000 đồng/cổ phiếu. Đây là sức bật khá ấn tượng trong bối cảnh có tới 90% mã cổ phiếu đã giảm về dưới mức 30.000 đồng/cổ phiếu.
Đặc biệt, tuy lợi nhuận năm 2010 của SQC (Khoáng sản Bình Định – Quy Nhơn) chỉ đạt 9,6 tỉ đồng, rất thấp so với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, nhưng SQC vẫn không có 1 phiên giảm giá nào trong suốt tháng 3 và đang ở mức 84.800 đồng/cổ phiếu (31/3). Các mã khác như KSA (Khoáng sản Bình Thuận Hamico), KSB (Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương), KSH (Khoáng sản Hamico), KTB (Khoáng sản Tây Bắc) cũng nằm trong vùng giá cao của thị trường. Vì thế, không ít nhà đầu tư rất háo hức với cổ phiếu khoáng sản.
Nhiều yếu tố đột biến

Có nhiều yếu tố giúp doanh nghiệp khoáng sản tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận. Chẳng hạn, năm 2010, KTB có được lợi nhuận đột biến 235,6 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ cho Công ty An Hồng Phương. Vì thế, mặc dù lợi nhuận thuần từ kinh doanh của KTB chỉ đạt 28,4 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đã lên đến 198 tỉ đồng, cao hơn cả doanh thu (151,9 tỉ đồng).

Sang năm 2011, KTB tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng đột biến do từ năm nay trở đi, 3 mỏ sắt ở Yên Bái của Công ty sẽ được đưa vào khai thác. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Hòa Bình, diễn biến này, cộng với việc đẩy mạnh khai thác vàng, antimony (kim loại khan hiếm và ít bị thay thế), sẽ giúp Công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Theo bản cáo bạch, KTB đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2011 tăng 325% và năm 2012 tăng 535% so với kế hoạch 2010.
Giống như KTB, KSA (Khoáng sản Bình Thuận Hamico) cũng được nhắc đến như một hiện tượng. Nếu năm 2008 KSA chỉ đạt 130 triệu đồng lợi nhuận thì sang năm 2009 con số này đã là 6,4 tỉ đồng. Đến năm 2010, lợi nhuận đã tăng vọt lên 64,7 tỉ đồng, tức tăng 900%. Sự khác biệt này là nhờ KSA có chiến lược đẩy mạnh thu gom cát và mở rộng quy mô khai thác cát.
Thực tế cũng cho thấy đà tăng giá bán đầu ra đã góp phần không nhỏ vào lợi nhuận vượt trội của các doanh nghiệp khoáng sản. Năm 2010, Trung Quốc, quốc gia cung cấp 90% sản lượng antimony thế giới, thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu antimony. Vì thế, nguồn cung antimony trở nên khan hiếm và giá đã tăng 2,5 lần so với năm 2009. HGM, công ty duy nhất ở Việt Nam có thể sản xuất antimony thành phẩm, bỗng nhiên được lợi. Doanh thu, lợi nhuận năm 2010 của HGM đã tăng lần lượt 82% và 151% so với năm 2009.
Tiềm năng của doanh nghiệp khoáng sản còn nằm ở những dự án vừa được cấp phép. Mới đây, trong giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, BMC cho rằng, cổ phiếu BMC tăng trần liên tục có thể là do nhà đầu tư dựa trên thông tin Công ty được cấp phép khai thác khoáng vật nặng titan-zircon trên diện tích 150 ha (Phù Cát, Bình Định). Ngoài ra, việc Bộ Tài chính hạ mức thuế xuất khẩu từ 15% (năm 2010) xuống 10% (từ ngày 1/1/2011) đối với xỉ titan cũng giúp BMC xuất khẩu hết lượng xỉ titan tồn kho từ năm ngoái.
Rủi ro khó lường
Có vẻ hợp lý khi nhà đầu tư dựa trên công bố của BMC cũng như nhìn vào tỉ suất sinh lời lớn của các doanh nghiệp để lạc quan về ngành khoáng sản. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lưu ý, tuy giá dầu thế giới đã tăng 15% từ đầu năm đến nay nhưng không có nghĩa giá các kim loại chủ chốt như sắt, đồng, kẽm sẽ tăng. Ngoài ra, chưa có gì đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn là cơ sở để tăng nhu cầu kim loại, sẽ phục hồi nhanh chóng. Vì thế, trừ HGM đang khai thác antimony, các doanh nghiệp khác có thể gặp rủi ro về cầu giảm và giá bán khó tăng.
Nhưng HGM có một rủi ro khác là rủi ro chính sách. Hiện tại, lợi thế của HGM chủ yếu đều nhờ Trung Quốc thực thi chính sách hạn chế xuất khẩu antimony. Nếu Trung Quốc gỡ bỏ chính sách trên, kinh doanh của HGM sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, thuế xuất khẩu 15% đối với xỉ titan năm 2010 đã là nguyên nhân khiến SQC phải đóng cửa nhà máy và hoạt động cầm chừng. Cho đến nay, dù thuế xuất khẩu xỉ titan đã giảm, nhưng theo SQC, mức 10% vẫn còn khá cao. Vì thế, SQC đã có những chuyển hướng nhất định như tăng thêm vốn cho đầu tư bất động sản.
Do khai thác khoáng sản cần đầu tư tài sản cố định (máy móc, nhà xưởng, phương tiện…) nên khoáng sản là một trong những ngành có tỉ lệ nợ cao. Tính đến 31/12/2010, KSS (Khoáng sản Na Rì Hamico) đã có nợ xấp xỉ vốn chủ sở hữu và chi phí lãi vay gần với chi phí hoạt động doanh nghiệp (14 tỉ đồng).
Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư e ngại là tính thanh khoản của cổ phiếu khoáng sản quá thấp. SQC niêm yết 100 triệu cổ phiếu, chiếm gần 10% quy mô ở sàn Hà Nội. Tuy nhiên, giao dịch ở SQC trung bình 400-500 cổ phiếu/phiên. Cá biệt, ở KSB gần như không có giao dịch trong thời gian gần đây. Vì thế, dù lợi nhuận vài tỉ đồng nhưng giá SQC vẫn trên 80.000 đồng/cổ phiếu. Còn giá của KSB hiện đã là 63.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn NCĐT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)