“Hiếm ai như cô Phương, nhỏ đi bán rau lớn làm công nhân, bán vé số, bền chí chịu khó học bổ túc để có bằng luật rồi bằng sư phạm đi dạy”.
Phương dạy kết hạt cườm cho học viên – Ảnh: Minh Tâm
Đó là lời khen của ông Phan Văn Vĩnh – trưởng khu vực 3, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang – đối với cô Nguyễn Hồng Phương, 28 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Tân Thành 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy.
Bán vé số để có tiền đi học
Nhà nghèo, cha bỏ đi khi Phương còn nhỏ. Tuổi thơ của Phương là những ngày đội rổ rau, mớ trái cây ra chợ bán. Năm Phương vào cấp II, mẹ Phương
* Thầy NGÔ VĂN BỀN (hiệu phó Trường tiểu học Tân Thành 2): Sáng kiến trong giảng dạy Cô Phương rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường giao. Cô đã có những sáng kiến đáng ghi nhận, chẳng hạn như kết hạt cườm 24 chữ cái với nhiều màu sắc sinh động đã giúp học sinh thích thú học, nhớ mặt chữ lâu hơn. |
vay vốn bán tạp hóa. Việc bán buôn lỗ lã, nợ vay cứ trương phình ra. Mỗi lần Phương đi học ngang nhà đều bị chủ nợ nhắc nhở đòi tiền. Thương mẹ, lại không chịu nổi cảnh mẹ bị nặng nhẹ nên khi học xong lớp 11 Phương quyết nghỉ học đi làm công nhân thủy sản kiếm tiền trả nợ.
Với tiền công 1,8 triệu đồng/tháng, Phương gửi mẹ 1 triệu đồng, số còn lại Phương trả tiền nhà trọ, trang trải sinh hoạt. Phương thổ lộ: “Để có số tiền 1,8 triệu đồng phải đứng suốt 10 giờ/ngày. Đó là những tháng hàng nhiều, còn những tháng ít hàng chỉ lãnh 600.000 đồng, những tháng làm ít này phải xin ngược lại mẹ tiền xài. Thành thử làm mấy năm vẫn không giúp được mẹ trả nợ…”.
Từ đó Phương suy nghĩ: “Cứ điệu này hoài tương lai mình sẽ ra sao khi tiền không có, nghề cũng không”. Phương quyết định phải tiếp tục học để chọn nghề nhằm đảm bảo cuộc sống của mình và mẹ về sau. Phương quay lại học lớp 12 chương trình bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Lúc này Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phụng Hiệp mở lớp trung cấp luật, Phương đăng ký học thêm ngành này. Lịch học lớp luật nửa tháng học nửa tháng nghỉ, còn lớp bổ túc học thứ bảy, chủ nhật.
Không có tiền đóng học phí lớp luật, Phương vay ngân hàng chính sách, sau đó lên kế hoạch để có tiền trả nợ và sống mỗi ngày. Phương xin đi chạy bàn, giúp việc nhà nhưng người ta không đồng ý bởi công việc đòi hỏi phải làm liên tục chứ không thể gián đoạn. Tính đi tính lại, Phương chọn bán vé số bởi có thể trả vé số dư lại cho đại lý. Những ngày đầu Phương mắc cỡ, sợ bạn bè trông thấy nên mỗi khi đi bán đem theo túi xách phòng khi gặp bạn bỏ vé số vào giấu. Nhiều lần, bạn thấy Phương đang chìa vé số mời khách, giấu không kịp, Phương giả lả mời bạn mua giúp. Không ngờ tụi bạn vui vẻ mua thiệt tình. Từ đó, Phương nghĩ mình bán vé số có gì xấu mà phải lén lút, e dè trong khi đây cũng là một công việc chân chính.
Tiếp tục học để dạy tốt hơn
Thầy giáo cũ của Phương thấy trò mình ham học nhưng gặp cảnh khó khăn nên đã dạy Phương nghề kết cườm để làm gia công cho hợp tác xã kiếm thêm tiền lo toan chuyện học hành. Làm một thời gian, Phương tự mua cườm về rồi thắt dây móc chìa khóa, dây móc điện thoại hình chuồn chuồn, bươm bướm… để vừa bán vé số vừa bán những món đồ trên. Thu nhập theo đó cũng tăng. Từ 16g30-20g Phương bán vé số, 21g ngồi thắt hạt cườm miết đến 1-2 giờ sáng. Phương còn nhờ những đồng nghiệp bán vé số bán tiếp. Hàng Phương làm ra được nhiều người thích, thắt không kịp bán. Nhờ vậy, Phương trả dứt nợ mấy triệu đồng giùm mẹ.
Ước mơ trở thành một người hiểu biết luật giúp người nghèo, đem lại công bằng cho xã hội, cộng thêm lớp luật học theo dạng mở, tranh luận nhiều khiến Phương càng thích thú dồn thời gian cho lớp này. Hai năm Phương lấy được bằng tốt nghiệp loại khá. Tuy nhiên do thời gian ngốn nhiều vào chuyện mưu sinh, rồi dồn cho lớp luật khiến Phương thi rớt bên bổ túc. Cầm tấm bằng trung cấp luật, Phương gõ cửa khắp nơi xin việc nhưng đến đâu cũng nhận cái lắc đầu từ chối. Phương bình tĩnh suy nghĩ kỹ, quyết tâm lấy được bằng tốt nghiệp để thi vào ngành khác.
Năm đó sau khi đậu tốt nghiệp, Phương theo nghề sư phạm bởi suy nghĩ đơn giản nghề này dễ xin việc. Hai năm theo học trung cấp tiểu học sư phạm, đến tháng 3-2013 Phương nhận quyết định phân công về dạy ở Trường tiểu học Tân Thành 2. Lương giáo viên hợp đồng gần 2 triệu đồng. Phương trích phân nửa trả ngân hàng chính sách khoản tiền mà mình đã vay để đi học lớp trung cấp luật trước đó. Tranh thủ hè Phương còn dạy thêm lớp kết hạt cườm do Hội phụ nữ huyện tổ chức. Nhờ vậy đầu năm 2014, Phương trả dứt khoản nợ học phí đã vay. Cũng thời điểm đó, cô giáo 28 tuổi này lại tiếp tục học lớp liên thông đại học sư phạm tiểu học và tiếp tục vay tiền ngân hàng chính sách đóng học phí.
Phương tâm sự: “Lúc đầu Phương nghĩ đơn giản dễ xin việc, nhưng càng dạy càng đam mê. Vì vậy Phương quyết định học tiếp lên lớp liên thông đại học để nâng cao sự hiểu biết, có vậy mới dễ dàng truyền đạt kiến thức cho các em tốt được”.
MINH TÂM (TTO)
Bình luận (0)