Trước mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, trên báo đài, trong các buổi tư vấn, hướng nghiệp, các chuyên gia tuyển sinh thường trấn an các thí sinh Đại học không phải là con đường duy nhất.
Nhưng, với thời điểm hiện tại và một thời gian dài tới, đáng lý ra, câu ấy cần phải nói đầy đủ là “Vào đại học để lấy bằng đại học không phải là con đường duy nhất”!
Ảnh minh học (Vietnamnet).
Tâm lý khoa bảng, chuộng bằng cấp ở xã hội Việt Nam vẫn rất nặng. Thông thường có bằng đại học đồng nghĩa với kiếm được công việc có thu nhập ổn định, có khả năng thăng tiến. Đó là lý do tại sao, ai chưa có bằng đại học thì cố gắng có nó, dù là tại chức.
Thế giới có Bill Gates, Việt Nam có Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty cà phê Trung Nguyên), bỏ ngang giảng đường và đạt được thành công. Còn mơ ước vào đại học để sau này có cuộc sống ổn định, thăng tiến là mơ ước của cả triệu thí sinh mỗi năm. Thế nhưng cũng có khoảng nửa triệu thí sinh trượt đại học mỗi năm. Họ chính là những người cần thấu hiểu câu “Để thành đạt, có rất nhiều con đường”.
Hiện, hầu như các trường đại học đều có hệ trung cấp và liên thông từng cấp. Số lượng trường liên thông từ hệ trung cấp lên đại học đang ngày càng nhiều. Các trường trung cấp chuyên nghiệp mở ra, thí sinh lấy bằng sau thời gian học tại đây cũng đều có cơ hội liên thông lên hệ cao hơn.
Nhiều ngành hệ trung cấp nghề cũng được liên thông đại học (ví dụ khối K trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM). Rớt tốt nghiệp, nhiều trường đại học còn có chương trình hai cộng (lấy bằng tốt nghiệp ngay tại trường và học cao lên). Xem ra, rớt đại học, cơ hội vẫn không thiếu để lấy bằng đại học.
Nên chăng, để giải tỏa áp lực, thí sinh cần được tư vấn rằng, để có bằng đại học, còn có nhiều con đường. Hơn là nói về những thành công chung chung khi mà thí sinh còn rất trẻ, mù mờ về tương lai, không biết khởi đầu bằng cách nào.
Đây là mấu chốt để những vụ tự tử đau lòng vì rớt đại học, bị tâm thần vì áp lực phải vào đại học, không còn đất để sinh sôi. Tâm lý chuộng bằng cấp sẽ còn tồn tại rất lâu. Giải tỏa áp lực thi cử cho cả xã hội cần phải đi dần từng bước trên cơ sở xác định rõ thực tế “để thành đạt, có rất nhiều con đường”.
Đăng Khoa (TPO)
Bình luận (0)