Tố My (trái) trong một chương trình văn nghệ tại Trường ĐH Sài Gòn |
Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn luôn thích thú và ấn tượng với bạn Trần Thị Tố My (sinh viên năm 3 Khoa Luật) mỗi khi bạn xuất hiện trong các chương trình văn nghệ do trường tổ chức. Bởi trong tiết mục hợp ca, tốp ca… đều có mặt “át chủ bài” Tố My.
Nghe “ca sĩ” Tố My hát, mọi người đều nhận xét cô sinh viên này có chất giọng đẹp, phong cách biểu diễn tự tin. Những bài hát như Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Giận mà thương (Trần Hoàn), Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương)… mà Tố My trình bày đều mang âm hưởng dân ca trữ tình và sâu lắng. Đó cũng là những bài hát quen thuộc em thường biểu diễn trên sâu khấu nhà trường sau khi đã định hình được phong cách. Nếu không có lời giới thiệu của người dẫn chương trình sẽ có nhiều người nghe nghĩ đây là một giọng hát chuyên nghiệp được đào tạo trong trường âm nhạc. Thế nhưng khi trò chuyện với Tố My, tôi mới biết con đường đến với âm nhạc của em bắt đầu từ phong trào ca hát tại những ngôi trường mà em theo học ở TP.Đà Nẵng.
Ba mẹ làm kinh doanh không dính dáng gì tới nghệ thuật nhưng Tố My ham hát từ bé. Con đường ca hát của cô bé song hành với con đường học tập. Chính lòng đam mê ca hát đã giúp cô bé đến với những thành công ban đầu trong bước đường nghệ thuật. Năm 2007-2008 đã đánh dấu cột mốc thành công đầu tiên của cô nữ sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm khi đoạt huy chương vàng giải “Tài năng nghệ thuật Đà Nẵng” với bài hát Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) và Bài ca thống nhất (Võ Văn Di). Nói về thành tích này, Tố My chia sẻ: “Trong thời gian học ở Trường THPT Ông Ích Khiêm, ngoài việc ca hát phục vụ phong trào văn nghệ của nhà trường, em còn tham gia vào Đội thông tin lưu động của TP.Đà Nẵng. Chính đây là cơ hội để em học hỏi các anh chị đi trước trong quá trình tự học những kiến thức về nhạc lý và phong cách biểu diễn”. Phát hiện giọng nữ cao quý hiếm, các thầy cô ở trường luôn động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Tố My vừa tham gia đội văn nghệ mà không ảnh hưởng đến chuyện học hành.
Cánh cửa âm nhạc lại mở rộng khi một năm sau đó Tố My vượt qua nhiều đối thủ ở các trường bạn để đoạt luôn giải nhất cuộc thi “Đà Nẵng – Con người và thời gian”. Không chỉ chinh phục chương trình bằng ca khúc Sông Hàn – Tình yêu của tôi, Tố My còn khiến Ban giám khảo thán phục qua những câu trả lời về kiến thức văn hóa và hiểu biết lịch sử, địa lý quê hương. Ba năm liền là học sinh lớp chọn của trường nên Tố My có thêm thế mạnh về sức học ngoài sung lực ca hát. Đó cũng là thuận lợi để em tiến sâu vào giải để được đứng trên bục cao nhất khi nhận giải thưởng.
Dù tham gia trong đội văn nghệ của trường hay địa phương nhưng việc học của em vẫn không hề chểnh mảng. Bây giờ dù đã xa rời vòng tay thương yêu của thầy cô, bạn bè nhưng Tố My vẫn không quên những tháng ngày mơ mộng và tươi đẹp đó… Đến khi vào TP.HCM học đại học, Tố My không quên những lời dặn của ba: “Con không chỉ học giỏi mà phải biết tu dưỡng rèn luyện đạo đức đừng để những cám dỗ làm biến chất đạo đức dù sống xa gia đình”. Thương ba mẹ Tố My càng cố gắng học và tìm mọi cách cống hiến cho thật nhiều các phong trào hoạt động của khoa và trường. Thành tích văn nghệ của khoa của trường luôn có thành tích của em trong đó. Có không ít lời mời cô sinh viên này “đi làm thêm” bằng giọng ca của mình nhưng Tố My đều từ chối vì thời gian không cho phép và việc học vẫn là hàng đầu. Nếu có tham gia cũng chỉ là giao lưu và để làm giàu thêm kinh nghiệm cho mình mà thôi. Tố My rèn luyện giọng ca của mình để có được tiếng hát vút cao như ca sĩ Tân Nhàn, sâu lắng như Như Quỳnh…
Ở Trường ĐH Sài Gòn, cô sinh viên Khoa Luật luôn được thầy yêu bạn mến vì có lối sống hòa đồng. Bạn bè yêu quý gọi Tố My là “con chim họa mi của Khoa Luật”. “Em có được như ngày hôm nay là nhờ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và công ơn của nhiều thầy cô đã dạy dỗ em…” – Tố My bày tỏ.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)