Chúng tôi đến nhà trọ của Trần Thị Phi Vân – sinh viên năm 3 ngành Sư phạm mầm non, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long vào một buổi chiều tan học. Bên tôi, em mặc chiếc áo sơ mi trắng giản dị, chạy chiếc xe đạp cọc cạch và đội chiếc nón lá xám đen vì nắng.
Đi với Vân, chúng tôi thấy được cả một nghị lực phi thường và lòng hiếu thảo của người con dành cho mẹ.
Người con hiếu thảo
Căn nhà trọ mà Vân và dì Tám (em của mẹ Vân), cậu và cháu của Vân đang sống nằm tận cùng trong con hẻm nhỏ ở phường 2, TP Vĩnh Long. 4 năm trước, mẹ Vân bị sỏi mật rồi sau lại thêm bệnh ung thư vú. Ngôi nhà bé nhỏ ở Long Hồ đành phải đem bán để có tiền chạy chữa thuốc men. Thu nhập ít ỏi từ việc Vân đi dạy thêm và làm phụ bếp mỗi tối là nguồn sống “hà tiện” của Vân và mẹ. Không nhà, không việc làm, không vốn lại mang bệnh, mẹ Vân “không làm được bất cứ việc gì ra tiền, mà còn thường xuyên nằm bệnh viện”.
Dì Tám với nghề bán vé số, phải nuôi thêm cháu ngoại thì chỉ có thể phụ nuôi mẹ Vân mỗi khi ốm đau trong bệnh viện. “Một mình con nhỏ phải vừa đi học, vừa đi làm thêm, còn vừa đi nuôi mẹ nó”- dì Tám Vân nói. Có những ngày em học 2 buổi, lại phải đi làm thêm đến 11 giờ đêm mới về tới nhà trọ. “Nhìn thấy những cơn đau nhức hành hạ mà mẹ phải chịu hàng ngày, em xót lòng lắm”- Vân nói. Thương mẹ, Vân chưa hề có một lời than vãn, chưa từng thể hiện chút buồn lo trước mặt mẹ, chỉ biết cố gắng làm cho mẹ vui trong những ngày còn sống. “Nó ăn chay từ hồi mẹ nó phát bệnh đến nay” – dì Tám cho biết.
Em Trần Thị Phi Vân (phải) cùng dì Tám trong nhà trọ.
Nhớ lần chúng tôi gặp Vân, trong những ngày căn bệnh ung thư của mẹ em đã vào giai đoạn cuối. Lúc đó em phải tất tả ra vào bệnh viện chăm mẹ, phải tranh thủ đi làm thêm, nhưng việc học thì không bỏ buổi nào. Những ngày mẹ Vân trở nặng, mọi việc giặt giũ, vệ sinh đều chỉ một tay em. Đêm ngã lưng trên chiếc chiếu trải ngoài hành lang phòng bệnh của mẹ thì trời cũng khuya lắm rồi, người rã rời, nhưng không một tiếng thở than. Chúng tôi chỉ thấy trong mắt em có gì đó trĩu nặng, nỗi đau như nén vào trong của tấm lòng đứa con hiếu thảo biết cái ngày mình xa mẹ không còn lâu nữa.
Đến khi em nói lên một nỗi lo khác, làm lòng chúng tôi như thắt lại: “Mẹ chết rồi không biết làm đám ma ở đâu nữa?” Hai mẹ con lận đận, long đong mấy năm trời hết nhà trọ này, đến nhà trọ khác, có người anh thì ở bên vợ mà gia cảnh cũng nghèo…
Trong một lần đi công tác ở Bình Minh, tôi có kể chuyện em Vân. Một người bạn là bác sĩ có khuyên nên gợi ý em việc “hiến xác” xem sao. Bẵng đi một thời gian, khi liên lạc lại thì chúng tôi mới hay tin mẹ em đã mất 2 tuần rồi. Bần thần mất mấy giây, nghe chút cay cay nơi sóng mũi, chúng tôi tự trách mình như còn nợ em một điều gì đó. Hơn cả trách nhiệm của người làm báo, mà đó là sự nồng ấm cần thiết của tình người dành cho nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn.
Sau đó, gặp lại Vân, chúng tôi mới biết rõ hơn. Những ngày mẹ nằm hấp hối trong nhà trọ, may nhờ người cậu thương tình cho mẹ Vân có được nơi chốn yên nghỉ. “Ngày hay tin mẹ mất, nó cùng người chị quáng quàng chạy về quê, đến nỗi té xe chân tay trầy trụa”- dì Tám kể. Không băng bó, nó vẫn tiếp tục về quê. Không khóc trong đám tang của mẹ, không khóc trước mặt mọi người. “Chỉ mỗi tối cùng tôi nhắc về mẹ nó, nó lại khóc”- dì Tám nói.
Và nghị lực phi thường
Bận rộn với việc học, làm thêm và chăm sóc mẹ, nhưng nhiều năm liền Vân là sinh viên nằm trong top 5 của lớp và đều đặn nhận học bổng, đó cũng là một phần thu nhập của Vân. Không ốm yếu như trong trí tưởng tượng của tôi về một cô sinh viên “làm nhiều ăn ít”, Phi Vân trông có vẻ đầy đặn và cứng rắn khó tả. Đôi mắt to đen và long lanh, khuôn mặt hiện lên vẻ phúc hậu của cô giáo mầm non với nụ cười buồn buồn như còn thiếu nhiều, nhiều lắm.
Nhớ lại những ngày mẹ mới phát bệnh, Vân còn đang theo học ở Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) vẫn không nguôi ước mơ được đi học tiếp. Biết mình khó khăn, Vân chỉ nộp 1 hồ sơ thi vào ngành Sư phạm mầm non và học ở Vĩnh Long. “Chỉ có như vậy em mới có điều kiện học và nuôi mẹ”. Trong những lúc khó khăn chồng chất nhất, Vân cũng chưa từng có ý định nghỉ học “đã làm việc gì thì phải làm cho đến cùng”- đôi mắt Vân chợt sáng lên long lanh hy vọng. Hình như, những lo toan tẩn mẩn của ngày thường không làm mờ nỗi niềm tin trong đôi mắt ấy!
Sinh viên Tạ Tuyết Anh – bạn học của Phi Vân, đang học ngành Tiếng Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long cho biết: “Đã nhiều lần ghé thăm Vân, từ nhà trọ này sang nhà trọ khác mà chỗ nào cũng xác xơ, thương lắm!”.
Vân vừa mất việc dạy thêm bởi “bé lớn rồi nên gia đình cho theo cô giáo học”. “Từ ngày mẹ nó mất, Vân về đây ở cùng dì và cậu, ai cũng khó khăn nên góp gạo thổi cơm chung”, dì Tám nói. “Để mình nó chắc ăn toàn mì gói” và “dù thế nào chúng tôi cũng ráng đùm bọc nhau cho nó học xong, Vân là niềm hi vọng của cả nhà tôi”. Dì Tám không bao giờ quên lời trăn trối của người chị bạc phần: “Mầy và thằng Dũng (cậu Vân) tối nhớ đi rước con Vân đi làm về, khuya lắm! Ráng ủng hộ nó học tiếp, tao không thể sống tiếp để chờ nó ra trường được nữa rồi”.
Bấy nhiêu khó khăn vất vả với những tháng cuối khóa học đang đè nặng lên vai Vân. Vậy mà ánh mắt ấy vẫn sáng ngời niềm tin yêu và hy vọng “cứ cố gắng hết sức thì khó khăn gì cũng sẽ vượt qua” – Vân chia sẻ.
Theo Quang Thuần – Cao Huyền
Vĩnh Long Online
Bình luận (0)