Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cơ sở đánh giá năng lực học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới kiểm tra, đánh giá là một khâu trọng yếu của quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó định hướng đánh giá năng lực của học sinh là một yêu cầu then chốt.

Mục tiêu chính của việc đổi mới là tập trung phát triển năng lực của người học để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng của nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Từ đó đặt ra vấn đề bức thiết là cần đổi mới dạy học như thế nào để phát triển năng lực của người học. Làm thế nào để đánh giá, đo lường mức độ năng lực mà người học đạt được? Đánh giá kiến thức, kỹ năng khác với đánh giá năng lực như thế nào?

Xét về mục đích chủ yếu, đánh giá kiến thức, kỹ năng là nhằm xác định việc đạt kiến thức, kỹ năng theo mục tiêu của chương trình giáo dục; còn đánh giá năng lực là đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống. So sánh ngữ cảnh đánh giá, một bên gắn với nội dung học tập được học trong nhà trường như kiến thức, kỹ năng, thái độ thì một bên lại gắn với ngữ cảnh học tập và thực tiễn cuộc sống của học sinh. Nội dung đánh giá kiến thức, kỹ năng tập trung vào một môn học cụ thể, quy chuẩn theo việc người đó có đạt được hay không một nội dung đã được học. Còn đánh giá năng lực tập trung ở nhiều môn học, nhiều hoạt động giáo dục và những trải nghiệm của bản thân học sinh trong cuộc sống xã hội, quy chuẩn theo các mức độ phát triển năng lực của người học. Về công cụ đánh giá, một bên dùng câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ trong tình huống hàn lâm hoặc tình huống thực còn một bên là nhiệm vụ, bài tập trong tình huống cụ thể, bối cảnh thực. Như vậy, đánh giá năng lực của học sinh bao gồm cả việc đánh giá kiến thức, kỹ năng lập luận, thái độ, niềm tin, giá trị, trách nhiệm xã hội, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo… của các em.

Khi đánh giá năng lực học sinh, giáo viên phải tổng hợp các giá trị: kiến thức, kỹ năng, khả năng, sáng tạo…

Cụ thể, từ việc tham khảo các tiêu chí trong phiếu hướng dẫn chấm điểm bài văn nghị luận trong kỳ thi THPT đổi mới vừa rồi, chúng tôi xin gợi ý 6 tiêu chí đánh giá để xây dựng phiếu hướng dẫn cho điểm bài văn nghị luận theo hướng đánh giá năng lực phù hợp với tình hình thực tế như sau:

Thứ nhất, là nội dung: Tùy vào yêu cầu cụ thể của đề bài. Thứ hai, là hình thức ngôn ngữ, gồm: Chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ phù hợp, ngôn ngữ phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Thứ ba, là kết cấu đầy đủ 3 phần gồm mở bài, thân bài, kết bài và phân đoạn hợp lý. Thứ tư, là khả năng lập luận gồm khả năng phân tích suy đoán, khả năng lập luận và sử dụng lý lẽ, khả năng đưa ra bằng chứng thuyết phục. Thứ năm, là liên kết và mạch lạc trong văn bản: Có sử dụng các phương tiện và phương thức liên kết; văn bản mạch lạc vì có liên kết nội dung và liên kết hình thức. Thứ sáu, là tính sáng tạo: Có ý tưởng sáng tạo và có sử dụng các hình thức ngôn ngữ sáng tạo. 

Sau khi xác định được các tiêu chí, chúng ta sẽ tiến hành phân chia từng bước các mức độ chất lượng cụ thể. Các mức độ phân bậc này cần phải mô tả chính xác mức chất lượng tương ứng từ kém đến tốt. Tuy nhiên, việc phân chia và mô tả này vô cùng phức tạp và khó khăn. Hiện nay, trước khi công việc chấm thi bắt đầu, chúng ta thường tổ chức chấm mẫu trước hội đồng giáo viên và thảo luận đáp án nhằm thống nhất cách chấm điểm. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nên đính kèm theo hướng dẫn chấm thi những bài chấm mẫu dựa trên các trường hợp tiêu biểu thì sẽ hiệu quả hơn.

ThS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Đánh giá năng lực của học sinh bao gồm cả việc đánh giá kiến thức, kỹ năng lập luận, thái độ, niềm tin, trách nhiệm xã hội, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề… của các em.

 

Bình luận (0)