Bộ Chính trị vừa thông báo kết luận về việc “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII)” và xác định “phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020”.
Theo thông báo, “sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, sự nghiệp giáo dục đào tạo cả nước đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả quan trọng, về cơ bản đã thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX). Cụ thể: Giáo dục và đào tạo đã giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nội dung, chương trình và các chính sách giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn với các cấp, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình và phương thức giáo dục; tích cực thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa hoặc giáo trình ở phổ thông, đại học và dạy nghề; tăng ngân sách giáo dục và các nguồn lực huy động từ xã hội hóa giáo dục; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng phát triển.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết trung ương 2 và yêu cầu phát triển của đất nước, vẫn còn nhiều nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được. Theo thông báo, một số vấn đề chưa đạt là: Giáo dục chưa thực sự là quốc sách hàng đầu; hiệu quả sử dụng đầu tư tài chính chưa cao; công tác tổ chức cán bộ, chế độ chính sách chậm đổi mới; chất lượng giáo dục còn thấp; quan tâm phát triển số lượng hơn chất lượng, cho phép thành lập đại học cao đẳng một cách dễ dãi; hệ thống giáo dục còn thiếu đồng bộ, mất cân đối; chưa chú ý đúng mức đến giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa lịch sử; chỉ “dạy chữ” mà chưa quan tâm đúng mức đến “dạy người”, kỹ năng sống và dạy nghề; chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục vẫn còn chậm hiện đại hóa; chưa phát huy tính tích cực sáng tạo và năng lực thực hành của người học; chưa gắn kết giữa nhà trường và xã hội, giáo dục và nghề nghiệp; công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác…
Nguyên nhân của các hạn chế, khuyết điểm trên, Bộ Chính trị kết luận là “do quán triệt không đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương”; “chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế chính sách”; thiếu quyết sách đồng bộ; một số chính sách còn chủ quan, duy ý chí; tư duy giáo dục chậm đổi mới; một phần do tác động của mặt trái cơ chế thị trường; tâm lý khoa bảng bằng cấp chi phối nặng nề; đầu tư cho giáo dục còn thấp…
Trên cơ sở nhận định mặt được và chưa được như trên, thông báo đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đến 2020: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách; đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tiếp tục đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục; tăng cường nguồn lực cho giáo dục; đảm bảo công bằng trong giáo dục và cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế.
Nội dung kết luận của Bộ Chính trị trong thông báo nêu trên là cơ sở định hướng quan trọng để các cấp ủy và các cấp quản lý giáo dục xây dựng kế hoạch dài hơi, từ năm học tới đến năm 2020.
Hai Đức
Bình luận (0)