Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cơ sở giáo dục mầm non tư thục khốn khó đủ đường

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Mầm non tư thục Hoa Mai, quận Bình Tân, TP.HCM

Trong 2 ngày 25, 26-2 tại TP.HCM, Vụ GDMN – Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Biện pháp quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (GDMNTT)”. Tại đây nhiều đại biểu cho rằng cơ sở GDMNTT là “đứa con rơi” và hệ thống trường này đứng trước ngổn ngang khó khăn. Chính sự thiếu quan tâm của các cấp, các ngành đã phần nào hạn chế sự phát triển của hệ thống GDMNTT…
Gần 50% cơ sở GDMNTT chưa được cấp phép
Theo số liệu tổng hợp của Vụ GDMN, cả nước hiện có 822 trường MNTT và 9.332 nhóm, lớp tư thục. Các cơ sở GDMNTT này đang nuôi giữ 419.404 trẻ, chiếm 13,61% số trẻ đang theo học tại các cơ sở MN. Thậm chí có nhiều tỉnh, thành số trẻ học tại các cơ sở GDMNTT tương đương với các cơ sở GDMN công lập. Chẳng hạn như ở Đà Nẵng tỷ lệ trẻ học ở các cơ sở GDMNTT là 57,2%, Bình Dương là 50%; Bà Rịa – Vũng Tàu là 46,3%; TP.HCM là 44%… Điều đó cho thấy sự đóng góp của các cơ sở GDMNTT đối với sự phát triển GDMN là không thể phủ nhận. Các cơ sở này đã đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh.
Song, thật đáng quan ngại khi số cơ sở GDMNTT không phép chiếm tới phân nửa. Trong số 822 trường chỉ có 426 trường được cấp phép, chiếm 51,8%. Trong số 9.332 nhóm lớp thì có tới 5.315 nhóm lớp chưa có phép, chiếm 57%. Điển hình như Nam Định số cơ sở chưa cấp phép là 102/140, Hưng Yên – 162/197, Phú Thọ – 324/348, Quảng Ninh – 356/460, Hải Phòng – 355/453, Khánh Hòa – 241/383, Đồng Nai – 137/498, Hà Nội – 275/709, Bình Dương -148/264…
Lý giải về nguyên nhân có nhiều cơ sở GDMNTT chưa được cấp phép, bà Phạm Thị Huệ Trang – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết: “Nguyên nhân chính vẫn là do đội ngũ giáo viên (GV) ở các cơ sở này vừa thiếu, vừa yếu. Hiện các cơ sở GDMNTT còn thiếu khoảng 300 GV, gần 40% GV chưa đạt chuẩn. GV ở các cơ sở tư thục thường được tuyển dụng từ nhiều vùng miền khác nhau nên không có nghiệp vụ hoặc được đào tạo nhưng đã bỏ nghề từ lâu. Cá biệt có một số cơ sở lấy anh em, người thân trong gia đình vào làm việc…”.
Đại diện Sở GD-ĐT Bình Thuận cũng cho biết: Hiện tỉnh vẫn còn trên 40% cơ sở GDMNTT chưa được cấp phép. Phần lớn những cơ sở này đều không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhiều cơ sở được sửa chữa từ nhà ở, nhà trọ nên phòng học chật hẹp, thiếu sân chơi, thiếu ánh sáng. Bếp ăn và nhà vệ sinh chưa đảm bảo vệ sinh. Tóm lại những cơ sở này chưa đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu theo quy định của ngành…
“Chất lượng chăm sóc sức khỏe, ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tai nạn cho trẻ trong các cơ sở GDMNTT còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ, nhất là những cơ sở chưa có phép. Không ít cơ sở có hiện tượng cắt xén chương trình và dạy chữ trước theo chương trình lớp 1 như Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Thuận… Có tới 42% nhóm lớp tư thục chỉ thực hiện trông giữ trẻ là chính, không theo chương trình nào”, bà Nguyễn Hồng Thu – chuyên viên Vụ GDMN cho biết.
Đối xử công bằng với trường tư
“Dù biết chất lượng nuôi dạy trẻ ở các nhóm, lớp tư thục còn hạn chế nhưng không ít bà mẹ vẫn phải gửi con để đi làm. Vấn đề của ngành giáo dục bây giờ là phải làm thế nào để quản lý tốt loại hình này, đồng thời đảm bảo quyền của mọi trẻ em trong việc hưởng thụ dịch vụ chăm sóc, giáo dục một cách an toàn nhất”, bà Lê Minh Hà – Vụ trưởng Vụ GDMN nhấn mạnh.
Tuy nhiên với mức học phí từ 200.000 – 500.000 đồng/trẻ/tháng, cá biệt có những nơi chỉ thu 100.000 – 120.000 đồng thì làm sao trẻ được hưởng thụ dịch vụ chăm sóc, giáo dục an toàn. Nhưng tăng học phí lại là một điều không thể. “Mỗi năm Bình Dương tăng 4.000 – 5.000 trẻ, riêng năm học 2008-2009 tăng 5.500 trẻ. Số trẻ này phần lớn là con em của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Với mức lương khoảng 1,3 triệu đồng/tháng, những gia đình công nhân chỉ đủ tiền cho con học ở các nhóm, lớp có mức thu học phí thấp. Chúng tôi cũng đã góp ý để chủ trường tăng học phí nhưng họ nói nếu tăng sẽ mất học sinh”, bà Huệ Trang – Sở GD-ĐT Bình Dương tâm tư.
Tính đến thời điểm này, TP.HCM có 254 trường MNTT, 815 nhóm lớp MNTT nuôi giữ 256.016 trẻ. Mức học phí ở các cơ sở MNTT có sự chênh lệch rất lớn, có những nơi thu 2- 3 triệu đồng/tháng nhưng cũng có những nơi chỉ thu 120.000 – 150.000 đồng/tháng. Tỷ lệ thuận với mức thu học phí thấp là chất lượng nuôi dạy kém, ở đây tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ. “Bất công của GDMN ở TP.HCM hiện nay là con nhà nghèo (chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất, dân nhập cư) không chen chân vào được trường công nên đành phải học ở trường tư. Trường tư vừa phải đóng học phí cao hơn trường công nhưng chất lượng thì chỉ ở mức trung bình, thậm chí là kém. Chúng tôi mong muốn tăng học phí ở các trường MN công lập tự chủ tài chính, bởi đây là những trường chất lượng cao, cơ sở vật chất khang trang, GV có chuyên môn và kinh nghiệm. Từ đó lấy kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở GDMNTT vùng khó khăn. Tuy nhiên dù ngành giáo dục đã đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được thành phố chấp thuận”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM bức xúc.
Bài & ảnh: Hòa Triều 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)