Với khoảng 1.800 ngành nghề đào tạo ở các bậc TC-CĐ- ĐH và điều kiện xét tuyển khá mở, sau THPT, học sinh có nhiều cơ hội để học tiếp lên. Tuy nhiên, để tránh bỏ học giữa chừng hoặc không trụ lâu với nghề thì các em cần tỉnh táo chọn ngành nghề phù hợp.
TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) chia sẻ về xu hướng ngành nghề trong tương lai với học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký (Đồng Nai)
Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT Đồng Nai và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cuối tuần qua tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Mỗi năm có khoảng 71% HS chọn học ĐH
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký (huyện Long Khánh), TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng sau THPT, việc học tiếp để có một tấm bằng không khó, quan trọng là chọn học ngành nghề gì, học ở đâu, học như thế nào? Theo đó, học sinh có thể chọn TC-CĐ thuộc hệ thống GDNN hoặc vào CĐ-ĐH. Mỗi năm cả nước có khoảng 71% học sinh chọn học ĐH. Điều kiện xét tuyển ở bậc học này cũng có nhiều thuận lợi theo các phương thức: dựa vào điểm thi THPT quốc gia, điểm học bạ THPT hoặc xét tuyển qua kỳ thi năng lực… “Hiện nay cả nước có khoảng 1.800 ngành nghề đào tạo ở các trình độ, cụ thể TC có khoảng 800 ngành nghề, CĐ có 600 và ĐH có 400 thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên – sức khỏe, khoa học xã hội, giáo dục quốc phòng – an ninh, kinh doanh – quản lý – luật… Riêng tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ dù địa phương này có nhiều trường CĐ nghề và ĐH”, TS. Lê Thị Thanh Mai thông tin thêm.
Nhiều ngành nghề trong tương lai có thể bị loại bỏ “Công nghệ thực tế ảo là gì?”, em Nguyễn Trọng Phú (học sinh Trường THPT Long Khánh) hỏi. TS. Nguyễn Thanh Tùng giải đáp: “Công nghệ thực tế ảo là xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là chuyên ngành xuất phát từ nền tảng công nghệ thông tin, do vậy muốn khám phá thực tế ảo phải nắm vững kiến thức lập trình. Với ứng dụng công nghệ thực tế ảo bằng các thiết bị mô phỏng đang phát triển ở các nước tiên tiến, nhu cầu nhân lực ngành này ngày càng tăng. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thanh Tùng cũng cảnh báo các ngành nghề có thể bị loại bỏ trong tương lai gần do xu hướng phát triển công nghệ như: trợ lý, thư ký, nhân viên giao dịch ngân hàng, xuất bản… Trước yêu cầu số hóa đang dần phát triển sâu ở từng ngành nghề, bản thân người học phải tự trang bị kiến thức công nghệ để tránh nguy cơ đào thải. T.Tri Một học sinh nam Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai) đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Chia sẻ với học sinh về kỹ năng chọn nghề, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) lưu ý cho dù xuất phát điểm như thế nào, trước hết các em phải hiểu bản thân mới chọn được ngành nghề phù hợp. Cụ thể hơn là biết mình có năng lực, tố chất gì và yêu thích công việc nào? Lợi thế (môi trường gia đình) và xu thế phát triển của xã hội cũng là cơ sở để chọn nghề. Trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em cần cân nhắc kỹ để tránh chọn ngành nghề có nguy cơ mai một, thừa lao động hoặc xã hội không còn nhu cầu.
Cải thiện tiếng Anh để có cơ hội việc làm tốt
Một số học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký hỏi: “Điều kiện cũng như cơ hội việc làm ngành thiết kế nội thất như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết ngoài năng khiếu thẩm mỹ, tư duy sáng tạo, có khả năng tìm tòi, phát hiện cái mới theo xu hướng, đam mê lĩnh vực này thì điều kiện quyết định là các em phải có năng khiếu vẽ. Tốt nghiệp ngành này, tùy vào năng lực có thể các em là chuyên viên thiết kế, tư vấn công trình, khởi nghiệp sản xuất, thiết kế nội thất… Nếu có nhu cầu học ngành này tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các em có thể lấy điểm thi môn năng khiếu vẽ ở các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM… để xét tuyển cùng với điểm thi THPT quốc gia.
Trước băn khoăn của nhiều học sinh rằng: “Yêu thích ngành kinh tế nhưng trình độ tiếng Anh hạn chế, liệu khi ra trường có đủ vốn ngoại ngữ để cạnh tranh với thị trường lao động?”. TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên: “Đầu vào ở một số trường ĐH có thể sử dụng các môn xét tuyển có và không có môn tiếng Anh, vấn đề là các em cân nhắc để lựa chọn tổ hợp xét tuyển từ đầu. Khi trúng tuyển rồi các em phải có kế hoạch học tập để cải thiện tiếng Anh, không chỉ các trường có quy định chuẩn ngoại ngữ đầu ra mà bất kỳ trường nào, ngành nào, người học cũng phải trang bị ngoại ngữ, kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn”.
Gần 10.000 học sinh Bến Tre được tư vấn hướng nghiệp Từ ngày 22 đến 27-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra ở 18 trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tại tỉnh Bến Tre, chương trình có sự phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh cùng sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Dự kiến có gần 10.000 học sinh khối 12 được tư vấn hướng nghiệp, cách thức lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và sở thích, định hướng năng lực của bản thân… Theo ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Thông tin, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, để trở thành “người được gọi tên”, bên cạnh các kiến thức chuyên môn thì bản thân cần phải trang bị vốn ngoại ngữ tốt cùng những kỹ năng thích ứng với công việc. “Bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi những tố chất riêng. Học một ngành nhưng có thể làm nhiều nghề. Dù ở ngành nghề nào, điều quan trọng vẫn là sự tận tâm với nghề, có kiến thức trong nghề thì mới có thể được trọng dụng”, ThS. Trần Nam nhấn mạnh. Ở góc độ khác, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An nhắn nhủ rằng, mọi việc điều được bắt đầu từ sự khởi đầu. Để có một tương lai thật tốt, không gì hơn là hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Do vậy, các em hãy cân nhắc trong việc lựa chọn hướng đi cho bản thân, phù hợp với sở thích cá nhân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Đặc biệt, các em chú trọng trang bị thêm yếu tố ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình. “Học giỏi ngoại ngữ là một lợi thế trong xu hướng cạnh tranh toàn cầu hóa”, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An nói. Yến Hoa
ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Thông tin, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (huyện Bình Đại). Ảnh: N.Thuận |
Nguyễn Thanh Duy (lớp 12C1, Trường THPT Trương Vĩnh Ký) hỏi: “Những trường nào có đào tạo ngành kỹ thuật hóa học, ra trường làm việc ở đâu?”. TS. Lê Thị Thanh Mai thông tin: “Những nhóm ngành có liên quan đến kỹ thuật hóa học là hóa, công nghệ sinh học… đào tạo ở các trường: ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM… Nếu trúng tuyển vào các nhóm ngành này, tùy vào năng lực, điểm số các em sẽ được học chuyên sâu về kỹ thuật hóa học. Tốt nghiệp nhóm ngành này có thể làm các công việc như quản trị chất lượng, tối ưu hóa quá trình sản xuất… ở các công ty dược, chế phẩm sinh học, tham gia nghiên cứu”.
“Hiện nay một số trường ĐH đào tạo chuyên ngành nhưng thật sự chưa sâu, điều này ảnh hưởng đến cơ hội việc làm. Để theo đuổi đam mê ngành học, không ít người phải học thêm tốn nhiều thời gian và chi phí”, nhiều học sinh Trường THPT Long Khánh tỏ ra lo ngại. Giải tỏ băn khoăn này, ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) khẳng định: “Những năm gần đây đã có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm ngành nghề, từ nhóm ngành đã mở ra nhiều ngành nghề mới chuyên sâu. Cụ thể, ngành quản trị kinh doanh nay có những chuyên ngành kinh doanh quốc tế, quản trị nhân sự, quản trị dịch vụ… Hoặc trong ngành kinh doanh quốc tế có các chuyên ngành hẹp như xuất nhập khẩu, logistics…”.
T.Anh
Bình luận (0)