Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cơ sở vật chất các trường ĐH, CĐ công lập: Phổ thông cấp 4

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa tiến hành khảo sát cơ sở vật chất (CSVC) của 196 trường ĐH, CĐ công lập trên toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT công bố “bộ mặt thật” của các trường. Một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế trường học cho rằng, CSVC của nhiều trường ĐH, CĐ Việt Nam hiện nay chỉ là phổ thông cấp 4. Thậm chí, nếu so với những trường THPT vừa mới được xây dựng như chuyên Hà Nội – Amsterdam và Hà Nội Academy thì nhận xét này còn phải suy nghĩ lại.
Nhìn đâu cũng thiếu
Theo tiêu chuẩn được ban hành từ năm 1985 thì bình quân diện tích (DT) đất cho SV trong các trường ĐH, CĐ công từ 55-85m2/SV. Tuy nhiên, sau 25 năm, diện tích này giờ là khoảng 35,7m2/SV. Thành phố càng lớn thì tỷ lệ đất dành cho SV càng thấp. Hà Nội chỉ có bình quân DT đất/SV là 13m2, khoảng 40% số trường có DT đất/SV dưới 5m2 như: ĐH Xây dựng, ĐH Luật, ĐH Lao động xã hội (dưới 1m2/SV)… Tại TP.HCM, DT bình quân/SV chỉ đạt 10m2, trong đó có 30% số trường đạt dưới 5m2/SV, gồm: ĐH Kinh tế (0,54m2/SV), ĐH Giao thông vận tải (3,25m2/SV). Còn DT đất sử dụng học tập của SV chỉ đạt 3,6m2/SV, trong khi quy định chung ở VN là 6m2/SV và ở các nước phát triển là 9-15m2/SV. Nhiều trường vẫn còn trong tình trạng đi thuê mướn cơ sở bên ngoài làm nơi học tập, có tới 6% trường phải đi thuê giảng đường để giảng dạy. Những yếu tố liên quan trực tiếp tới việc đào tạo trong các trường ĐH, CĐ như phòng thí nghiệm, thư viện, theo nhận định của Bộ GD-ĐT, đang thiếu và yếu. Hiện phòng thí nghiệm của các trường chỉ chiếm 13,02% so với tổng số phòng học, giảng đường hiện nay. Trong đó chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được đánh giá đạt mức độ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, 22,5% phòng thí nghiệm có chất lượng các thiết bị tốt. Chỉ có 1,4% phòng thí nghiệm tương đương về chất lượng với các trường ĐH trên thế giới, gần 50% phòng thí nghiệm trình độ lạc hậu. Không những thế, ở các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, tần suất sử dụng được khai thác đến trên 100%. TS. Trần Tiến Phức, ĐH Nha Trang cho biết trung tâm máy tính của trường hoạt động từ 7h sáng đến 22h đêm.
Thư viện được coi là linh hồn, là trái tim của mỗi trường ĐH trong bối cảnh hiện nay thì tại Việt Nam, vấn đề này đang bị bỏ lửng. Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, trung bình 21,2 SV mới có một chỗ ngồi tại thư viện. Trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ, chỉ có 172 trường có thư viện truyền thống, chiếm 87%. Như vậy, có tới khoảng 13% số trường không có thư viện. Với con số này, Bộ GD-ĐT đánh giá: “Có thể nói, đây là tình trạng báo động đối với giáo dục ĐH, trong khi các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH”. Bên cạnh đó, DT sử dụng trung bình của thư viện cho 1 SV rất thấp (0,18m2), so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành là 0,5m2. Cũng theo báo cáo của bộ thì trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ chỉ có 39,3% số trường có thư viện điện tử. Khảo sát về những điều kiện khác như ký túc xá, trung tâm thể thao, giải trí, chăm sóc y tế… của các trường ĐH cũng cho thấy nhìn chung chưa đảm bảo chất lượng.
Không theo kịp quy mô
Phân tích về những yếu kém hạn chế của các trường hiện nay, KTS.TS Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, Bộ GD-ĐT cho rằng: Hiện nay giữa quy mô và cái trường có rất cách xa nhau. Ví dụ ĐH Bách khoa được Liên Xô thiết kế đầu tiên chỉ đáp ứng dạy 2.000 sinh viên. Bây giờ sinh viên gấp 10 lần, cơ sở vật chất “nở” ra được bao nhiêu. Phòng thí nghiệm vẫn còn theo mô hình từ năm 1900 đã lâu. Không những thế, KTS. Trần Thanh Bình còn khẳng định, CSVC hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu học tín chỉ. Để học được một môn của tín chỉ, sinh viên phải qua 6 loại phòng học khác nhau. Còn ở Việt Nam có một phòng học đa năng là coi như xong là dạy được hết. 6 phòng học bao gồm: phòng học thông thường (phòng học dạy theo lớp), giảng đường chuyên dụng (những giảng đường lớn, giảng đường dốc, tạo ra sự tương tác giữa giáo viên với sinh viên, không phải giảng đường dùng điện thanh như Việt Nam), phòng học thảo luận theo nhóm (theo đơn vị chúng tôi tính toán thì phòng học này nhiều nhất là nửa lớp hoặc 1/3 lớp), các phòng học chuyên dụng (dành cho các ngành nghề khác nhau. Ví dụ như sư phạm. Trong khi đó, hầu như các trường ĐH chưa có những phòng thị phạm, tức là phòng thị khán, một giờ lên lớp, người dự không ngồi trực tiếp trong lớp mà người ta dự qua một lớp kính, không làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động đang diễn ra trong lớp học); phòng học đặc thù như phòng học cho tin học, ngoại ngữ; phòng thí nghiệm. Riêng phòng thí nghiệm cũng có nhiều loại: bộ môn, nghiên cứu, cơ sở… Còn tại Việt Nam chỉ cần mỗi phòng chức năng là có thể học được tín chỉ. Điều này theo TS. Bình là khá khôi hài.
Trước những khó khăn về đất đai, CSVC của các trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ Xây dựng đang hoàn thiện bản quy hoạch các trường ĐH tại Hà Nội và TP.HCM. Trong năm 2011 tới sẽ trình Chính phủ bản kế hoạch này. Còn Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ trình quy hoạch sử dụng đất cho giáo dục ĐH.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)