Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cơ sở vật chất trường lớp: Chuẩn hóa và hiện đại

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là một trong những kết quả đạt được của ngành giáo dục 5 TP lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ được đưa ra tại Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 9 lần thứ nhất, năm học 2016-2017 tổ chức tại Đà Nẵng sáng 4-3.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.Yên

Chất lượng dạy – học được nâng cao

Báo cáo kết quả tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, Trưởng cụm thi đua số 9 cho biết: Mạng lưới trường học, quy mô giáo dục của 5 TP ngày càng ổn định và phát triển, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong thời kỳ mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT được chú trọng. Cụ thể, TP.HCM đầu tư trang thiết bị hỗ trợ dạy, học giai đoạn 2016-2017 là 792.157 tỷ đồng; Hải Phòng – 188 tỷ đồng; Cần Thơ – 137,8 tỷ đồng; Đà Nẵng – 282,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cả 5 TP đều chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; mở rộng phát triển hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ GV ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ. Đơn cử như TP.HCM hiện có 1.241 GV đạt chuẩn B2 và 111 GV đạt chuẩn C1 quốc tế, ngoài ra còn có 490 GV đang được bồi dưỡng để đạt chuẩn quốc tế về phương pháp và kỹ năng giảng dạy tiếng Anh; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 550 GV…

Ngoài ra, ngành GD-ĐT 5 TP có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông. Triển khai mô hình thí điểm giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, tổ chức các hoạt động dạy – học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn đảm bảo giáo dục cơ bản ở trung học, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và kết nối trường học một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; xây dựng hệ thống kho dữ liệu bài giảng e-learning trực tuyến giúp cho việc học tập, học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ GD-ĐT có chất lượng giữa các địa phương là công cụ quan trọng để hội nhập quốc tế…

Cần thực hiện tốt khâu tuyển dụng GV

Tham gia và phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao thành tựu, biện pháp đổi mới, sáng tạo của ngành GD-ĐT 5 TP trong công tác tham mưu, quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp, ứng dụng CNTT cũng như xã hội hóa giáo dục, hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: “Ngoài phiên họp chính, Cụm thi đua số 9 đã rất sáng tạo trong việc tổ chức 5 hội nghị chuyên đề cũng đồng thời là 5 chủ đề trọng tâm của nhiệm vụ năm học với thành phần tham gia mở rộng đến hiệu trưởng các trường học. Đây là cách làm hay để các cán bộ quản lý có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục”.

Thứ trưởng cũng cho biết, 5 TP này là những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi nhưng không vì thế mà ngành GD-ĐT giảm bớt áp lực. Phải có các biện pháp để xây dựng môi trường thật sự an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Trong quản lý Nhà nước, các sở GD-ĐT phải thực hiện tốt việc tham mưu để thực hiện tốt phân cấp quản lý. Ở bậc học mầm non, phải phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các cấp ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; song song đó phải tính đến trách nhiệm hỗ trợ của các trường công lập trên địa bàn đối với các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường tư thục.

“Luật Giáo dục đã có riêng một điều về tiêu chuẩn chức danh của từng vị trí, cấp học. Những vụ bạo hành trẻ mầm non vừa qua, khi tìm hiểu ra thì đa phần là nhân viên cấp dưỡng đứng lớp hoặc GV được đào tạo sư phạm nghệ thuật. Đuổi việc họ sau khi xảy ra sự cố thực ra chỉ là giải quyết phần ngọn, không phải là giải pháp căn cơ. Vì vậy, ngành GD-ĐT các địa phương cần thực hiện tốt khâu tuyển dụng, đẩy mạnh công tác dân chủ trong trường học, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm… Cần có những biện pháp để chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trong trường học, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)