Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có thể diễn tập thi tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội nghị giao ban các sở GD-ĐT tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 17/3, trước nhiều băn khoăn về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm và chấm chéo bài thi giữa các địa phương, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, địa phương nào nếu thấy cần cứ tổ chức hội đồng thi thử để diễn tập. 
Phụ huynh "ngóng" con thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Mai Văn Nhân – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho rằng: ở vùng sông nước như khu vực này, học sinh ở xa không có điều kiện đi lại nên nếu quy định như vậy, sẽ rất khó cho các em.
Báo Hà Nội Mới số ra ngày 18/3, có đặt "ba câu hỏi lớn" về những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo bài báo, trước đây, một trong những lý do để các địa phương kiến nghị với Bộ bỏ quy định tổ chức thi theo cụm trường là do địa bàn xa, việc đi lại rất vất vả cho thí sinh.  Ngay tại Hà Nội, riêng chuyện này cũng đã phải bàn đi, tính lại và cuối cùng không được tổ chức nấu ăn trong trường mà phải đặt cơm hộp từ bên ngoài mang đến và không được thu tiền của phụ huynh để lo ăn uống cho thầy cô.
Tác giả bài báo cho rằng, khi quay lại tổ chức thi theo cụm, dù điều kiện kinh tế – xã hội đã khá hơn so với mười năm trước, việc đi lại đối với HS có thể đã bớt khó khăn nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn luôn tiềm ẩn.
Ngày 17/3, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, những năm trước, Nghệ An cũng tổ chức thi cụm. Thừa Thiên – Huế tập trung toàn bộ thí sinh về TP để thi.
Ông Nghĩa cho rằng, thực tế ở các địa phương đã làm chứng tỏ việc thi cụm không khó thực hiện.
Bên cạnh điểm mới "tổ chức thi theo cụm", nhiều lãnh đạo giáo dục các địa phương phản ánh điểm mới "đổi chéo việc chấm bài thi giữa các tỉnh, thành" cũng là  yêu cầu khó khả thi. 
Theo tường thuật của báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở GD-ĐT An Giang đã kể lại “bài học” của địa phương mình khi tổ chức chấm chéo từ … 10 năm trước. Khi đó, các trường có tâm lý muốn mình cao hơn trường khác dẫn đến tâm lý “sát phạt” nhau. Tỷ lệ bài thi đạt yêu cầu giảm gần 50%.  Sở này đã phải trộn 50% bài của các trường, giáo viên không chỉ chấm trường bạn mà còn chấm HS của mình.
Còn ông  Trần Thanh Đức, GĐ Sở GD-ĐT Tiền Giang đề nghị cần phải có hướng dẫn chấm hết sức chi tiết để không có tranh luận gay gắt, không có yếu tố may rủi giữa tỉnh này, tỉnh kia do sự thiếu thống nhất đáp án, nhận thức khác nhau.
Báo Thanh Niên dẫn lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: "Địa phương nào nếu thấy cần cứ tổ chức hội đồng thi thử để diễn tập. Đừng nên để yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến việc tổ chức chung của cả nước".
Lan Anh (Vietnamnet)

Bình luận (0)