Cục trưởng Quản lý Giá, Bộ Tài chính khẳng định việc không giảm giá bán lẻ xăng dầu vừa qua là do ngân sách "thâm thủng" quá nhiều. Song, có thể vì quyền lợi người tiêu dùng mà tiếp tục giữ giá, dù xăng dầu thế giới tăng.
Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cho hay trong điều hành giá bán đôi khi phải biết "lùi", nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận chia sẻ với khó khăn của Nhà nước. Việc Liên bộ Tài chính – Công Thương yêu cầu doanh nghiệp phải "trả nợ trước, giảm giá bán lẻ" sau là để bù đắp một phần chi phí cho ngân sách khi phải bù lỗ trong các đợt kìm giá bán xăng.
Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu đã 7 lần điều chỉnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mỗi năm, Nhà nước phải chi 5% tổng ngân sách ra bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu để kiểm soát giá bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giá thế giới liên tục tăng mạnh nên dù ra đời được nhiều tháng song quỹ bình ổn giá vẫn chưa có vốn để hoạt động. Hiện tổng số tiền mà quỹ có vào khoảng 87 tỷ đồng, không đủ dùng cho một lần kìm giá, trong khi các doanh nghiệp đầu mối lỗ tới con số hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Công ty Xăng dầu Đồng Tháp lỗ 145 tỷ đồng; Xăng dầu Mekong lỗ gần 100 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) lỗ khoảng 85 tỷ đồng và Petrolimex lỗ khoảng trên 100 tỷ đồng.
Trả lời báo chí về việc Nhà nước có tiếp tục kìm giá bán nếu xăng dầu thế giới tăng đột biến trong khoảng thời gian 20 ngày nữa, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: "Rất có thể".
Ông khẳng định Nhà nước sẽ sòng phẳng khi tính các phương án giá cho người tiêu dùng. "Từ nay đến thời điểm điều chỉnh giá bán lần sau vẫn còn gần 20 ngày, khoảng thời gian rộng này đủ để chúng tôi tính toán các phương án sao cho có lợi nhất cho người tiêu dùng", ông Thỏa nói.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự thảo sửa đổi nghị định 55 cho phép doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lên mức tương ứng khi giá vốn (bình quân trong thời gian lưu thông) tăng đến 7% so với giá bán hiện hành. Nghĩa là giá bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh thêm 7% nếu doanh nghiệp lỗ đến mức tương ứng. Trong trường hợp giá vốn tăng từ trên 7% đến 12% doanh nghiệp được quyền tăng mức 7% nói trên cộng thêm 60% của mức tăng từ 7%-12%; 40% còn lại sẽ được bù đắp bằng quỹ bình ổn giá.
Trường hợp còn lại khi giá vốn tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, Nhà nước sẽ công bố áp dụng một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp bình ổn giá như cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá ở mức độ nhất định, ngừng trích quỹ bình ổn giá, giảm thuế hoặc áp dụng các biện pháp hành chính, tài chính khác.
Cách thức tương tự cũng được áp dụng khi giá xăng dầu thế giới giảm. Chẳng hạn, khi giá vốn giảm đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giá xuống mức tương ứng. Tuy nhiên, khi giá vốn giảm trên 7% đến 12%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng với giá thế giới. Khi giá vốn giảm trên 12%, sau khi tăng thuế, trích quỹ bình ổn giá… doanh nghiệp còn lãi sẽ phải giám giá với số lần và thời gian không hạn chế.
Hồng Anh (VnExpress)
Bình luận (0)