Qua những vụ bạo lực học đường, học sinh tự tử gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu mỗi trường đều có đội ngũ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp.
Khi học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý
Học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý: Phòng tư vấn chỉ là hình thức?
Cần phát hiện, tiên lượng và can thiệp sớm
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chia sẻ tại trường ông thường có khoảng 63 – 90% số học sinh (HS) đến văn phòng tham vấn tâm lý để được tư vấn về khó khăn trong học tập và ý thức kỷ luật, số còn lại cần tư vấn vì có khó khăn về vướng mắc trong quan hệ gia đình, một tỷ lệ nhỏ có các vấn đề về rối nhiễu giới tính và biểu hiện tâm thần.
Thoạt đầu, các biểu hiện khó khăn trên tồn tại và được xem xét như những vấn đề cá nhân. HS và gia đình tự đánh giá mức độ, hoặc tự tìm kiếm chuyên gia để đánh giá và có những biện pháp can thiệp cho con em mình. Tuy nhiên, đôi khi HS và gia đình không ý thức hết được độ nghiêm trọng của các biểu hiện khó khăn về tâm lý. Trong trường hợp đó, sự can thiệp của nhà trường là cần thiết.
Ông Lâm cho rằng lứa tuổi HS trung học là giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Sự thay đổi từ vị trí phụ thuộc của trẻ con sang vị trí tự quyết của người lớn đặt trẻ vào tình trạng không ổn định, thất thường. Tuy nhiên, giữa những biểu hiện bất thường về tâm lý và những rối nhiễu tâm thần bệnh lý là một ranh giới đôi khi rất mong manh. Vì vậy, làm sao để phát hiện, tiên lượng và can thiệp sớm là vấn đề đặt ra cho tất cả các nhà tâm lý học đường.
Gặp phải trở ngại về nguồn nhân lực
Bàn về vấn đề này, tại hội thảo đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Trường ĐH Giáo dục Hà Nội tổ chức gần đây, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường này, cho rằng để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết phải tập trung chăm sóc đời sống, sức khỏe tinh thần cho HS, sinh viên, nhằm giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học. Do đó, các dịch vụ giáo dục như tham vấn học đường, tham vấn sức khỏe học đường, tham vấn về phương pháp học tập… trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.
Theo ông Thanh, công tác tham vấn, tư vấn học đường những năm qua đang gặp phải trở ngại về nguồn nhân lực. “Đến hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên dạy các chuyên ngành như: luật, tâm lý; giáo viên ngữ văn, giáo dục công dân…”.
Cần được đầu tư đến nơi đến chốn
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng để mở một phòng tư vấn không khó, chỉ cần các nhà trường bố trí một phòng, rộng hay hẹp tùy điều kiện của mỗi nơi, trang bị một số tài liệu, tủ sách, bàn ghế. Tuy nhiên, ai sẽ tư vấn, tư vấn các vấn đề gì, tư vấn ra sao, liệu HS có tin tưởng đến các phòng tư vấn học đường để chia sẻ nỗi niềm, xin được tư vấn hay không… là điều không dễ, cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cũng chỉ ra rằng Bộ Nội vụ đã có mã nghề cho ngành tham vấn học đường, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về số lượng biên chế ngành này trong các trường học, dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Do vậy, để thực hiện thành công hiệu quả công tác tham vấn học đường, cần thực hiện một cách đồng bộ, tránh việc “treo ra để đấy cho đẹp”.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng dự thảo quy định mới về khen thưởng kỷ luật HS mà Bộ GD-ĐT công bố năm 2020 có đề cập đến “biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực” – một khái niệm mới rất đáng được lưu ý, trong đó có nội dung đáng chú ý là “tổ chức tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm”.
Theo ông Khang, tư vấn tâm lý cho HS là biện pháp giáo dục văn minh và hiệu quả nhất, rất đáng được đầu tư đến nơi đến chốn. Phòng tư vấn tâm lý của nhà trường buộc phải có "hai chuyên": chuyên môn và chuyên trách. Nghĩa là việc tư vấn tâm lý phải do những người được đào tạo chính quy về khoa học tư vấn tâm lý đảm nhiệm, không phải do một GV vừa dạy học vừa kiêm nhiệm tư vấn tâm lý. Muốn làm tốt, phòng tâm lý phải có đủ tài chính để trả lương cho chuyên gia và kinh phí để hoạt động.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)