Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Có thể ngăn chặn hành xử bạo lực từ gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, tình trạng hành xử bạo lực ngày càng gia tăng, nhất là ở giới trẻ. Theo tôi, “Nhân chi sơ tính bản thiện”, con người ta khi sinh ra ban đầu luôn thiện lành. Môi trường sống tác động rất lớn, sẽ làm thay đổi con người. Tôi nghĩ việc hành xử bạo lực cũng thế. Môi trường sống đầu tiên của đứa trẻ là gia đình. Nếu sống trong gia đình hiền lành, không bạo lực thì đứa trẻ ấy cũng sẽ lớn lên với tính cách ôn hòa, không hành xử bạo lực. Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học nào, tôi cũng lưu ý phụ huynh khi có mâu thuẫn xảy ra giữa các học sinh với nhau, phụ huynh cần bình tĩnh vào gặp giáo viên để tìm hiểu, trao đổi giải quyết trong ôn hòa. Phụ huynh đừng nóng vội xử lý khi chưa rõ mọi việc và tránh các cách xử lý bằng bạo lực. Dưới mắt phụ huynh, con mình luôn ngoan hiền, không nghịch phá, chọc ghẹo bạn bè, toàn là bị bạn bè ức hiếp. Vậy là phụ huynh bênh con bất chấp khi chưa biết diễn tiến sự việc. Thực tế, gia đình hiện nay chỉ có 1, 2 đứa con, ba mẹ luôn yêu thương, cưng chiều. Ở nhà, các cháu đâu có ai cùng lứa tuổi để chơi đùa, nghịch ngợm. Khi đến trường học tập, sinh hoạt cùng bạn bè, các cháu mới đùa vui, chọc phá nhau rồi có sự va chạm, mâu thuẫn, gây gổ… Nhiều sự việc xảy ra giữa các học sinh rất bình thường, không có gì nặng nề nhưng chính cách hành xử của phụ huynh làm mọi việc trở nên nghiêm trọng và trẻ nhỏ sẽ nhiễm cách hành xử bạo lực từ gia đình.

Mới đầu năm học này ở một trường tiểu học, trong giờ chơi, một nhóm học sinh nam nữ lớp 4 đang chơi nhảy dây, vài học sinh nam cùng lớp đến phá. Một học sinh nam chơi nhảy dây bực mình đã đẩy một bạn trong nhóm phá phách, vô tình học sinh nam ấy trượt chân trên cục nước đá ở sân trường, té u đầu. Biết lỗi, vào lớp không học sinh nào báo lại giáo viên. Về nhà, gia đình phát hiện, học sinh bị té không kể toàn bộ sự việc mà chỉ nói: “Tự nhiên bạn đó xô con té”. Sáng sớm hôm sau, cả đại gia đình của học sinh bị té gồm ông bà nội, ông bà ngoại, cô chú, ba mẹ kéo đến trường đòi gặp học sinh đã xô con mình và hăm dọa: “Con u chỗ nào thì nó phải u chỗ đó!”. Giáo viên phải báo cho phụ huynh học sinh lỡ xô bạn té nghỉ học hôm đó. Sau đó, nhà trường phải trấn an phụ huynh, mời gia đình về bớt, chỉ ba mẹ ở lại. Khi mời tất cả học sinh chứng kiến sự việc ngày hôm đó xuống văn phòng, học sinh bị té mới thừa nhận phần lỗi của mình. Lúc đó, phụ huynh mới sượng sùng rồi xin lỗi nhà trường. Rất may, nhà trường phát hiện, ngăn chặn kịp thời, nếu không sự việc sẽ diễn tiến đến mức nào?

Theo tôi, nếu mỗi gia đình đều giáo dục con cái bằng chính cách hành xử hòa nhã, lịch sự, có tình có lý để giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống thì trẻ nhỏ sẽ noi gương theo, biết kiềm chế, không hành xử bạo lực. Lúc đó, xã hội cũng sẽ hạn chế cao nhất các cách hành xử bạo lực, không làm mọi người phải lo lắng, bất an như hiện nay. Gia đình chính là nơi hoàn toàn có thể ngăn chặn những cách hành xử bạo lực của giới trẻ từ những ngày các cháu chập chững vào đời.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)