Mới ở bậc tiểu học mà nhiều em đã phải đeo kính cận. Ảnh: HÒA TRIỀU |
Viện Mắt TP.HCM cho biết, gần 40% học sinh tại TP.HCM đang mắc tật về khúc xạ, nhất là cận thị. Theo tính toán của cán bộ y tế học đường thuộc các trường tại thành phố, không chỉ ở bậc THCS, THPT, tỷ lệ học sinh bậc tiểu học mắc tật cận thị cũng đang gia tăng rõ rệt. Thực tế, tỷ lệ học sinh ngoại thành TP.HCM mắc tật cận thị thấp hơn so với học sinh nội thành từ 5-15%.
Sở dĩ như vậy là do điều kiện sống của các em ở thành phố tiếp xúc quá nhiều với truyền hình, máy vi tính, sách, truyện… khiến mắt phải điều tiết quá tải. Học sinh ngoại thành ít mắc tật cận thị là do các em phải làm việc nhiều hơn sau giờ học. Hơn nữa, các trường ngoại thành có không gian lớp học rộng, nhiều ánh sáng thiên nhiên có lợi cho mắt.
Cần sớm nhận biết để điều trị kịp thời…
Nhiều học sinh phải đeo kính cận sớm là do tư thế ngồi học sai, đọc truyện tranh được in trên giấy đen, chữ nhỏ, xem truyền hình quá nhiều, có học sinh còn tranh thủ đọc lén truyện tranh dưới ngăn bàn hay chỗ thiếu ánh sáng… Thêm vào đó là hiện có đến 3/4 cơ sở trường học không đạt yêu cầu về quy chuẩn. Nhiều trường tiểu học đã sử dụng đèn chống cận thị, bảng chống lóa, bàn ghế nhiều nơi không đồng bộ, không đúng kích cỡ…
Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần lưu ý các dấu hiệu: khi xem truyền hình hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn; kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài, viết chữ sai, nheo mắt, nghiêng đầu khi xem truyền hình hoặc nhìn một vật ở xa; dụi mắt mặc dù không buồn ngủ, sợ ánh sáng hoặc chói mắt. Trẻ không thích các sinh hoạt liên quan tới thị giác (vẽ hình, tô màu hay tập đọc…), khi đọc trẻ hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để lần dò theo các chữ…
Lứa tuổi mắc tật cận thị nhiều nhất là 11 – 16 tuổi. Nếu không phát hiện sớm để đeo kính kịp thời, tật cận thị sẽ nặng thêm, thậm chí không ít trường hợp dẫn đến tật lé mắt hoặc suy nhược thị lực. Với lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bởi 80% lượng thông tin mà não bộ thu nhận được là qua mắt.
Về lâu dài, tật cận thị có thể khiến trẻ học hành sa sút, thể lực yếu, dễ bị tai nạn trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai.
BS. PHẠM KHẮC TRÍ
Bình luận (0)