Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Có thể thương mại hóa tác phẩm tranh của học sinh trong hội thi Nét vẽ xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội nghị tổng kết 25 năm hội thi Nét vẽ xanh (1998-2022) sáng 10-12, Họa sĩ Trần Thanh Cảnh – Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ TP.HCM cho rằng cần xem xét về đầu ra của các tác phẩm đạt giải trong hội thi Nét vẽ xanh.


Các đơn vị được khen thưởng có nhiều đóng góp cho hội thi Nét vẽ xanh trong 25 năm qua

Nét vẽ xanh được xem là hội thi nghệ thuật truyền thống cho học sinh thành phố trong nhiều năm qua, từ học sinh mầm non đến THPT, học sinh đang theo học tại các mái ấm, nhà mở, trường chuyên biệt, trường khiếm thị. Với 7 loại hình vẽ tranh khác nhau, như vẽ trên giấy A3, vẽ trên bình gốm, mẫu áo dài, vẽ tranh trên máy tính, vẽ tranh tập thể trên khung vải bố, thiết kế bìa sách và vẽ tranh bằng đất sét cho người khiếm thị, Nét vẽ xanh đã mở ra các cơ hội thể hiện tài năng đa dạng cho thí sinh.

Qua 25 năm tổ chức, từ con số 1.600 thí sinh dự thi trong năm đầu tiên, số thí sinh tham gia dự thi đã tăng theo từng năm. Nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đan Mạch đã được Nét vẽ xanh tổ chức. Đặc biệt, năm 2008 Nét vẽ xanh đã lập kỷ lục Guiness với bức tranh dài 148m do 1.000 học sinh thực hiện.

Ông Lê Ngọc Hân – Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố – Trưởng ban tổ chức hội thi Nét vẽ xanh khẳng định, ban tổ chức luôn theo đuổi mục đích phát triển hội thi trở thành tổ chức xã hội uy tín trong việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng hội họa cho học sinh, là cầu nối văn hóa với bạn bè quốc tế. Các sản phẩm tranh thí sinh tham gia sẽ được số hóa, đưa nguồn tài nguyên đến các em thiếu nhi, đưa đúng giá trị từng bức tranh đến người yêu hội họa.

Theo sát hội thi nhiều năm qua với vai trò giám khảo, Họa sĩ Trần Thanh Cảnh – Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ TP.HCM đánh giá, giá trị các tác phẩm đạt giải của học sinh trong hội thi Nét vẽ xanh hoàn toàn có thể thương mại hóa. Do vậy, cần xem xét về đầu ra của các tác phẩm đạt giải theo hướng thương mại các tác phẩm này để tạo quỹ tài năng.

"Qua các bức vẽ nhận thấy sự khác biệt giữa nhóm thí sinh công lập và trường quốc tế. Thí sinh công lập có những bức vẽ xuất sắc đến mức hoàn hảo nhưng có sự dập khuôn, văn mẫu. Trong khi đó, thí sinh trường quốc tế thì có màu sắc tươi mới song nét vẽ lại chưa có sự tròn trịa. Chúng ta cần kéo khoảng cách này lại bằng việc đề cao tư duy thẩm mỹ. Tư duy thẩm mỹ là cái quan trọng hơn năng khiếu. Cài đặt sớm, cài đặt sâu tư duy thẩm mỹ sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách, thẩm mỹ, sự cân bằng trong học tập…" – họa sĩ Trần Thanh Cảnh nhìn nhận thêm.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, nếu như những ngày đầu hội thi còn mang tính phong trào thì hiện nay Nét vẽ xanh là hoạt động không thể thiếu trong hoạt động của ngành giáo dục. Ông cho biết, ngành giáo dục sẽ cùng với ngành văn hóa thể thao, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố có những nghiên cứu để có đề xuất phù hợp với quy định chung từ việc mở rộng cách thức tổ chức đến các hỗ trợ thêm cho thí sinh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)