Một dự án lập bản đồ cây cổ thụ Hà Nội đang được triển khai. Theo đó, từng cây cổ thụ sẽ có một câu chuyện riêng về gốc tích, giá trị văn hoá, kinh tế… để “kể” cho người dân thủ đô và du khách biết.
Không chỉ cho không gian xanh mát, những cây cổ thụ Hà Nội còn đem lại cho thủ đô những giá trị văn hoá riêng.
Ông Nguyễn Nguyên Cương, giám đốc trung tâm Giáo dục và truyền thông môi trường (đơn vị biên soạn bản đồ cổ thụ Hà Nội) cho biết, bản đồ sẽ được triển khai dưới hình thức một bộ Atlas về cây cổ thụ.
Trên cơ sở đề cử của các cơ quan quản lý, nhà Hà Nội học, chuyên gia văn hoá… ban biên soạn đã thống kê có khoảng 703 cây cổ thụ đủ điều kiện có mặt trong bộ Atlas lần này: là cây gỗ sống lâu năm ở Hà Nội (tính từ 100 tuổi trở lên và được trồng ở Hà Nội); có giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh; có nguồn gen quý hiếm… “Đây sẽ là những đại diện cho 58 loài cây đang trồng ở Hà Nội. Trong đó có khoảng 30 cây được xếp vào loại đặc biệt như cây thị ở đình Chèm, cây gạo ở bảo tàng Lịch sử, cây muỗm ở đền Quán Thánh…”, ông Cương nói.
Bên cạnh một bản đồ chung của toàn thủ đô, các quận, huyện sẽ có một bản đồ cây cổ thụ riêng để phục vụ cho việc chăm sóc, quản lý. Từng cây cổ thụ trong bộ Atlas sẽ có những câu chuyện riêng về “cuộc đời” mình để “kể” cho người dân và du khách đến Hà Nội biết. Kèm theo bản đồ là những bức ảnh màu minh hoạ và bản thuyết minh lý lịch cây: tên cây, độ tuổi, độ cao, hoa nở mùa nào, những thông tin văn hoá, lịch sử gắn liền với cây.
Người đọc khi tiếp cận sẽ hiểu hơn những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh của cây, những mốc thời gian quan trọng mà cây đã trải qua trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Thậm chí, những “nỗi buồn” của một số cây cổ thụ đang bị ngược đãi bởi thời gian và con người cũng sẽ được nhóm biên soạn ghi lại.
“Với Hà Nội cả xưa và nay, cổ thụ là biểu trưng văn hoá để làm nên phần hồn cho không gian thủ đô. Chưa kể rất nhiều cây còn mang giá trị là những chứng nhân lịch sử như cây muỗm trên 300 năm được trồng từ những ngày đầu trùng tu chùa Quán Thánh”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, ngoài giá trị lịch sử, rất nhiều cây cổ thụ ở Hà Nội còn mang trong mình những giá trị tâm linh (như cây đa, cây si…), giá trị thẩm mỹ như cây sưa (đến mùa hoa, cây nở trắng một góc đường). Một số cây khác có giá trị quý hiếm như giáng hương, gõ đỏ… Có cây còn gắn liền với các danh nhân như cây bồ đề do tổng thống Ấn Độ Prasat trồng ở chùa Trấn Quốc năm 1958. “Người dân thủ đô cũng như du khách khi đến Hà Nội phải được biết những giá trị ấy để có những ứng xử đúng đắn với không gian xanh mà họ đang thụ hưởng”, ông Cương nhấn mạnh.
Ông Cương cho biết, muộn nhất là đến đầu năm 2010, bản đồ về cây cổ thụ Hà Nội sẽ được hoàn thiện để tham gia vào sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Trên cơ sở bản đồ cổ thụ, các nhà khoa học tham gia biên soạn sẽ có kiến nghị với thành phố về những biện pháp quy hoạch diện tích cây xanh và bảo tồn cây cổ thụ ở Hà Nội”, ông Cương nói.
Phổ biến rộng rãi bản đồ cây xanh
Atlas cây cổ thụ dày khoảng 70 trang, khổ A2, in màu. Bên cạnh khổ lớn phục vụ cho quản lý, làm tài liệu, những quyển sách nhỏ dạng sách bỏ túi cũng sẽ được in để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, bộ Atlas còn được in thành đĩa CD để thuận tiện cho việc lưu giữ và truyền thông trên mạng internet.
|
Theo Yến Khanh
Sài Gòn tiếp thi
Bình luận (0)