Trước thực tế học sinh phải tiếp tục nghỉ học do dịch Covid-19 và việc các nhà trường, địa phương còn lúng túng trong khi triển khai học trực tuyến thì đây là lúc cần thiết đặt ra tính pháp lý của hình thức dạy này.
Giáo viên dạy học trực tuyến ở một trường quốc tế tại Việt Nam trong những ngày học sinh nghỉ do Covid-19. Nhà trường cung cấp
Cần phải nhanh mới được
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ GD-ĐT chủ trì việc lên kế hoạch dạy trực tuyến (qua truyền hình) đại trà cho học sinh phổ thông.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết: “Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu việc này nhưng phía hiệp hội thấy cần phải nhanh mới được. Tình hình dịch bệnh hiện nay khó nghĩ rằng trong tháng 3 sẽ hết, học sinh (HS) có thể đến trường bình thường. Vì vậy, tất cả các giải pháp dạy và học từ xa, kể cả dạy online và dạy trên truyền hình lúc này đều rất cần thiết”.
Theo GS Quân, có 2 điều cần làm. Một là Bộ GD-ĐT cần công nhận quá trình học qua việc kiểm tra chất lượng. Hai là cần có chủ trương để các sở GD-ĐT thực hiện. Riêng hiệp hội, sau khi đề xuất về chủ trương lên Chính phủ, cũng đang có một số động thái. Một là tổ chức tọa đàm để bàn thảo thêm cách thức thực hiện. Hai là xây dựng các tổ, kể cả người quản trị và chuyên gia công nghệ, để tìm cách giúp các địa phương triển khai. Trước mắt có thể tổ chức thí điểm để mọi người quan sát, thuyết phục mọi người bằng thực tiễn.
Ông Phạm Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT K12school Edtech Group, cho biết: “Nếu Chính phủ đồng ý, Bộ GD-ĐT đồng ý thì đây là cơ hội để tạo ra hành lang pháp lý cho việc học trực tuyến. Nhưng có một điều bất cập là hiện nay mọi người vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn thế nào là E-learning, thế nào là học trực tuyến. Điều đó dẫn đến việc là Bộ phải đưa ra được quy chuẩn học trực tuyến ra sao, phải đảm bảo điều kiện gì, học bao lâu, đánh giá ra sao… để triển khai”.
Xu thế giáo dục trong tương lai
GS-TS Nguyễn Hữu Châu, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho biết nói đến giáo dục trong tương lai tức là nói đến giáo dục trong một thời kỳ mà công nghệ thông tin xâm nhập rất mạnh vào giáo dục. Trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”.
Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi HS chọn môn học, chọn học một số phần của nội dung môn học, chọn cách thức, công cụ học và cả thời gian phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung của mỗi môn học. Không gian học linh hoạt và xu hướng học ở nhà. Việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, nên nhà trường với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước.
Tất cả các giải pháp dạy và học từ xa, kể cả dạy online và dạy trên truyền hình lúc này đều rất cần thiết
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
|
Tuy vậy, GS Châu cũng chỉ ra những thách thức và mặt trái của việc lạm dụng công nghệ trong giáo dục, điển hình là sự phát triển thiếu hài hòa đối với nhân cách trẻ. Lạm dụng việc chia sẻ, trò chuyện trên các trang mạng xã hội thông qua máy tính hoặc điện thoại di động, ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng xấu đi rất nhiều…
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho rằng khi nền tảng công nghệ thông tin tốt hơn, giáo viên được tập huấn bài bản và việc dạy học trực tuyến được thừa nhận như một hình thức thay thế thì chắc chắn các trường sẽ có động lực làm tốt hơn. Tuy nhiên, ông Hà cũng nhấn mạnh, ở bậc học phổ thông, việc tương tác trực tiếp là rất quan trọng để giúp HS rèn các kỹ năng mềm trong cuộc sống như làm việc nhóm, giao tiếp, chia sẻ, vận động… mà hình thức khác không thay thế được.
Cần chuẩn bị gì ?
Theo GS Trần Hồng Quân, về công nghệ, các chuyên gia đã sẵn sàng, có thể thực hiện được ngay. Về học liệu, bản thân Bộ GD-ĐT các năm nay đều có các cuộc thi làm học liệu E-learning, đã tích lũy và có nhiều bài soạn hay. Vì vậy, học liệu mở không thiếu và trong kho đã có sẵn.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, người sáng lập và điều hành Thinking School, cho rằng vấn đề quan trọng nhất để áp dụng học trực tuyến là có đánh giá HS được hay không. Tiến sĩ Dũng phân tích: “Để đo được, thầy cô sẽ phải thông qua hàng loạt bài tập, hoạt động. Bình thường ở trên lớp thì thầy cô sẽ đo được trực tiếp bằng bài thi, thuyết trình, trắc nghiệm… Thầy cô qua quan sát trên lớp sẽ xác nhận được người học đạt được kết quả mà mình kỳ vọng như thế nào. Học trực tuyến thì sẽ dẫn đến câu hỏi: làm sao để đánh giá người học?”.
Tiến sĩ Dũng cũng thừa nhận học trực tuyến ở vùng sâu vùng xa, với đường truyền internet chưa có, chưa tốt thì khó tiếp cận hơn cho người học so với học trên truyền hình. Nếu áp dụng việc học trực tuyến cho cả nước (bao gồm truyền hình hay online) thì cần thận trọng để có hiệu quả. Đầu tiên có thể triển khai với những đơn vị đáp ứng được các tiêu chuẩn đánh giá người học và đảm bảo chất lượng do Bộ GD-ĐT quy định.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), cho biết đối với giáo dục phổ thông, các hình thức E-learning, trong đó có dạy và học qua mạng, hiện mới dừng ở vai trò hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động dạy học trên lớp, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập của HS; giúp mở rộng không gian học tập (không gian số) để HS có thể tự học, học mọi lúc, mọi nơi. Ông Sơn nhấn mạnh, giáo dục trực tuyến chỉ thực hiện được khi HS có thiết bị đầu cuối như máy tính nối mạng, điện thoại thông minh, máy tính bảng… Ở nhiều nơi, điều kiện này vẫn còn khó khăn. “Tuy nhiên, tôi tin rằng khi chúng ta triển khai các hoạt động giáo dục trực tuyến có hiệu quả thì các bậc phụ huynh sẽ có những đầu tư xứng đáng cho con em mình, nhiều tổ chức trong xã hội cũng sẽ chung tay với ngành giáo dục triển khai, giúp giáo viên và HS trên cả nước có điều kiện áp dụng những công nghệ hiện đại trong các hoạt động dạy – học”, ông Sơn chia sẻ.
Đề nghị triển khai học truyền hình trên phạm vi toàn quốc
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết quan điểm của lãnh đạo hiệp hội là cần thiết cho HS nghỉ học trong mùa dịch Covid-19. Nhưng nếu kéo dài, việc gần 20 triệu em nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội. Do đó tốt hơn là toàn xã hội chung sức với ngành GD-ĐT triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch, mà không chỉ thụ động cho HS nghỉ học chờ hết dịch.
Thực tế trong thời gian qua, một số trường phổ thông đã chủ động tổ chức dạy học trực tuyến cho HS. Tuy nhiên điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Trong khi đó, truyền hình là một tiện nghi sống tối thiểu hiện nay trong tất cả các gia đình Việt Nam, và chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên đài truyền hình quốc gia, vì thế giải pháp vĩ mô mà hiệp hội đề xuất là triển khai đại trà trên toàn quốc việc dạy học trên truyền hình.
Ông Khuyến cũng chỉ ra khiếm khuyết của dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến so với dạy học truyền thống là bị hạn chế ở khâu tương tác thầy – trò. Tuy nhiên hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng. TS Khuyến cũng cho rằng việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác triển khai, song song với lệnh tạm đóng cửa trường học đại trà.
Quý Hiên
|
Theo Đăng Nguyên – Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)