Nước hầm từ xương ống các loại không hề giàu giá trị dinh dưỡng như nhiều người tưởng |
Lựa chọn xương ống hầm nấu cháo để thay đổi khẩu phần ăn cũng như tăng giá trị dinh dưỡng cho trẻ là cách mà một số bà mẹ thường làm. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng, suy nghĩ lẫn cách làm này của các bà mẹ hoàn toàn không đúng.
Đưa vào làm khẩu phần chính trong bữa ăn
Kể từ ngày con trai tập ăn cháo, chị Nguyễn Thị Hồng (P.Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) thường xuyên mua xương ống về chế biến. Xương hầm gần nhừ, chị bỏ gạo vào nấu, sau cùng vớt bỏ hết xương, còn lại là cháo. Cứ đều đặn, mỗi lần hầm 3 lạng, mỗi tuần nấu 4 bữa cho các buổi trưa.
Chị khoe: “Thời gian đầu nấu cháo, tôi thường nấu kèm thịt bằm, tôm bằm, các loại rau nhưng đều thất bại vì cu cậu cứ thấy lợn cợn cái là lè ra, nhất quyết không ăn. Mỗi lần ăn chỉ được vài muỗng, dỗ dành đủ kiểu cũng chỉ hết lưng chén nhỏ nên lại phải quay về uống sữa bình. Nhưng chuyển sang đan xen món hầm xương ống nấu cháo, cháu nó ăn được cả lưng chén, thậm chí có hôm hết một chén, giảm lượng sữa xuống. Có lẽ do vị ngọt của nước, béo của tủy xương, lại dậy mùi thơm kích thích vị giác nên cu cậu ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, lúc trước cu cậu rất ghét ăn rau, nhưng lần này, tôi đã xay nhuyễn trộn vào tăng cường vitamin mà cu cậu vẫn ăn bình thường, không lè ra”.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, nước hầm từ các loại xương ống thường thơm, ngọt khiến bất kỳ ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng nên ăn nhiều. Nhưng loại nước này không hề giàu giá trị dinh dưỡng, nghèo canxi, đạm, phốt pho… Dù có hầm kỹ đến mức nào đi chăng nữa thì lượng canxi thôi ra từ xương rất ít, đa số vẫn lắng đọng trong xương. |
Theo chị Hồng, khẩu phần ăn này được chị tham khảo trên internet. Ở một số trang web như http://www.mrsach. com.vn, có tư vấn xương ống chứa các thành phần như đạm, khoáng như canxi, kali, sắt, khá nhiều vitamin A, D, vitamin nhóm B…, thấy hay nên chị thử làm. Đây cũng là một cách thay đổi khẩu phần ăn, song cũng là cách bổ sung dinh dưỡng hữu hiệu cho con.
Cũng là người thường xuyên mua xương ống về hầm lấy nước nấu cháo cho con, chị Thanh Mai (Q.Tân Bình) cho rằng, tiện lợi đầu tiên của món cháo nấu từ xương hầm đó là lấy nước hầm, nấu cháo sau đó vớt bỏ xương nên trẻ dễ chấp nhận ăn hơn vì không phải tập nhai như khi ăn các món cháo nấu từ thịt bằm hoặc nấu kèm hải sản. Mặt khác, giá cả loại xương này không đắt, khoảng 50 ngàn đồng/kg. Công đoạn chế biến thì hết sức đơn giản. Mua về rửa sạch, ngâm nước cho ra bớt màu đỏ, giảm tanh rồi bỏ vào ninh. Chỉ cần chú ý mua xương tươi, xương không quá già, như vậy lượng tủy xương, canxi sẽ nhiều hơn. Và đây là lí do chị Mai chế biến 4 đến 5 bữa trong tuần cho con gái ăn. Ngoài việc nấu cháo cho con, chị còn hầm lấy nước nấu canh cho bữa ăn gia đình.
Ăn nhiều coi chừng thiếu chất
Có thể thấy, nổi bật của nước xương ống hầm là ngọt, thơm mùi vì thế hầm để nấu cháo cũng như lấy nước nấu canh, bún, phở… là món không còn xa lạ trên bàn ăn mỗi gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, đánh giá nước xương ống hầm giàu giá trị dinh dưỡng như chất béo, canxi, vitamin… hoàn toàn không đúng. Trong 100ml nước xương chỉ có 0,6g đạm, chỉ đáp ứng 1/30 nhu cầu đạm một ngày của trẻ. Tương tự, trong 100ml có 33,5mlg canxi, chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu canxi/ngày của trẻ.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, nước hầm từ các loại xương ống thường thơm, ngọt khiến bất kỳ ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng nên ăn nhiều. Nhưng loại nước này không hề giàu giá trị dinh dưỡng, nghèo canxi, đạm, phốt pho… Dù có hầm kỹ đến mức nào đi chăng nữa thì lượng canxi thôi ra từ xương rất ít, đa số vẫn lắng đọng trong xương. Lượng chất đạm hoàn toàn không nhiều. Đối với chất béo thôi ra từ tủy xương lại là chất béo no, trẻ rất khó hấp thụ bởi hệ tiêu hóa còn yếu. Ăn nhiều còn có nguy cơ đầy bụng, không tiêu.
“Tôi cũng từng nghe một số bà mẹ cho rằng thường mua xương ống về hầm nấu cháo cho con ăn. Có thể do các bà mẹ không biết, thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nên có sự nhầm lẫn. Việc lấy nước hầm xương nấu cháo làm khẩu phần chính trong bữa ăn của trẻ trong thời gian dài có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu chất, đặc biệt là chất đạm. Vì thế, chỉ nên hầm lấy nước để chế biến hỗ trợ thêm thì được. Trong quá trình chế biến, cần bổ sung thêm rau, củ quả, tôm, cá, thịt… để cung cấp đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển toàn diện chiều cao, cân nặng. Nếu trẻ kén ăn thì nên xay nhuyễn các loại để trẻ dễ ăn hơn”, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên nhủ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)