Anh là một chàng trai liệt tứ chi, nhưng đầy nghị lực sống. Chị đã đến bên anh vì cảm phục, cùng dệt nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Chị là Đào Thị Ngát, 27 tuổi, người Kiến Xương, Thái Bình.
“Em nghĩ kỹ rồi, em chấp nhận tất cả”
Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất năm 13 tuổi, nhà đông anh chị em, nên mới học hết cấp 2, Ngát đã một mình khăn gói lên Hà Nội kiếm việc làm. Chịu khó, lại nết na, chị vừa làm công nhân ở Công ty may Hồ Gươm, vừa tham gia học bổ túc để hoàn thiện văn hóa. Có lẽ cuộc sống sẽ êm đềm trôi đi nếu không có cái ngày “định mệnh” hôm ấy.
Có cô bạn thân của Ngát say sưa kể về người anh họ bị tật nguyền, liệt tứ chi… nhưng đầy khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Con gái thường “yêu bằng tai”, khi được nghe kể về một nghị lực vượt lên số phận của anh chàng ấy, Ngát đã thương thầm, nhớ trộm.
Chị chủ động xin số điện thoại để liên lạc. Và những dòng tin nhắn thăm hỏi, động viên cứ ngày một nhiều lên. Có hôm rảnh, Ngát chủ động bắt xe lên Việt Trì để thăm anh. Nhớ lại phút đầu gặp anh, cả hai đều nghẹn ngào xúc động. Có cái gì đó của thẹn thùng gặp gỡ, lại có cái gì cay cay ở mắt, lại có ánh mắt đong đầy bao nỗi niềm, thương cảm, kính phục. Chị bảo từ khi gặp anh, chị lại càng khao khát được ở bên anh, được lo lắng, chăm sóc cho anh hơn!
Tình yêu đã nảy nở, nhen nhóm và hai người cứ thế vun đắp cho tình yêu ấy ngày càng sâu đậm hơn. Ai biết chuyện cũng cảm thương nhưng ai cũng khuyên, cả hai chỉ nên làm bạn của nhau, lấy nhau sẽ rất khổ. Được chứng kiến sinh hoạt ngày thường của anh, chị mới thấm thía sự trớ trêu của số phận.
Anh không thể tự mình làm được việc gì, kể cả những việc tối thiểu nhất. Thân hình gầy gò, đôi chân buông thõng và hai bàn tay co quắp… Ngát cũng đã có lúc chạnh lòng vì anh vẫn khuyên cô đừng hy sinh cho anh nhiều như thế. Nhưng khi đối diện với chính mình và cả với anh, cô bật lên tiếng nấc nghẹn ngào: “Em đã nghĩ rất kĩ rồi. Em chấp nhận tất cả”.
Rồi họ tự nguyện gắn kết cuộc đời cho nhau. Giọt nước mắt thương con của mẹ Ngát đành lau vội khi bà chấp nhận vun đắp cho con. Bởi trong sâu thẳm người mẹ, bà hiểu những gì mà Ngát sẽ phải đối diện. Nhưng bà cũng hiểu, thương con đâu phải là ngăn cấm ràng buộc con mà hơn hết, ấy là đức hy sinh, là lòng vị tha và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào con người.
Cuối năm 2006, lễ cưới của họ đã được tổ chức rất thân tình. Một lễ cưới nho nhỏ, chỉ có họ hàng bạn bè thân thích. Lễ đón dâu cũng chỉ có bố mẹ chú rể và đưa dâu cũng chỉ có hai người bạn gái thân của Ngát. Mọi lễ nghi của đám cưới được lược giản hết sức vì lí do duy nhất: sức khỏe của chú rể.
Nhưng niềm vui của đôi bạn trẻ đã làm cho không khí của đám cưới ấm áp, ngọt ngào hơn rất nhiều. Ai thấy cũng vui lây với nụ cười hạnh phúc trên gương mặt Ngát và ánh mắt nhìn vợ đầy trìu mến của anh.
Hạnh phúc chỉ đến với ai biết vượt lên số phận
Chưa hết phải đối mặt với khó khăn đời thường, ông trời còn thử thách họ về thiên chức làm cha, làm mẹ. Vậy nhưng, vượt qua tất cả và hạnh phúc lại mỉm cười với những người biết vượt lên số phận! Cùng với sự tiến bộ của y học, Ngát đã được các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Trung ương (Viện C) tận tình giúp đỡ. Phương pháp thụ tinh nhân tạo tưởng là dễ nhưng với Ngát, nó khó hơn với người bình thường rất nhiều. Bởi lẽ, chồng cô là một người liệt tứ chi, đặc biệt là anh bị liệt tủy. Mà liệt tủy cũng đồng nghĩa với việc khả năng “di truyền giống nòi” của anh là vô cùng yếu.
Biết bao lần mẹ chồng đưa Ngát xuống Viện C thăm khám, điều trị. Ở bệnh viện, ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của Ngát và cảm phục trước đức hy sinh của cô. Bác sĩ Tiến – Giám đốc bệnh viện – người trực tiếp phụ trách bệnh án của cô đã cố gắng hết sức để giúp cô hoàn thành tâm nguyện. Sau hơn 5 tháng nghiên cứu, điều trị và dùng thuốc, Ngát đã có thai. Mà lại là song thai! Tất cả họ hàng, bạn bè đều như vỡ òa khi nhận được tin. Họ mừng cho kết thúc có hậu của câu chuyện cổ tích, họ vui với niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của vợ chồng cô.
Hạnh phúc lớn nhất của người đàn bà có lẽ là khi được nằm trên bàn đẻ. Với Ngát, hạnh phúc ấy còn quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Từ nay, cô sẽ được làm mẹ, mẹ của hai đứa con mà cô đã trải qua bao đau đớn mới có được. Nhưng giây phút quan trọng ấy, chồng cô – Hoàng lại không ở bên Ngát. Nghĩ mình không giúp gì được, Hoàng lặng lẽ ngồi thiền ở chùa Tổ (Đền Hùng) để khẩn cầu trời đất cho “mẹ tròn con vuông”.
Một trai, một gái, rất kháu khỉnh và xinh xắn. Thế là từ nay, Ngát chính thức có được thiên chức làm mẹ và Hoàng có được hạnh phúc làm cha. Niềm hạnh phúc khôn xiết mà cả hai anh chị đều thấy lâng lâng, cứ ngỡ như một giấc mơ. Thậm chí khi Ngát và hai con từ Hà Nội về, nhìn tận mặt vợ và hai con, Hoàng còn tự đánh vào mặt mình để chắc chắn đây không phải giấc mơ!
Trong niềm vui khôn tả, Ngát tâm sự, cô muốn Hoàng đặt tên cho con gái, còn cô sẽ đặt tên cho đứa con trai. Bé trai là Phạm Kiến Vi mà theo Ngát, nó có ý nghĩa là mong cho con trai yêu sẽ có tầm nhìn lớn và làm nhiều việc lớn. Còn bé gái là Phạm Kiến An, cái tên là mong muốn con gái thương sẽ được hưởng những điều an lành và mang những điều an lành nhất đến cho mọi người. An và Vi – hai cái tên mang đầy ước vọng của vợ chồng Ngát về tương lai đầy ánh sáng, niềm tin. Nhìn An và Vi nhoẻn cười mà sống mũi tôi cay cay.
Hạnh phúc là đây! Đơn sơ, bình dị với bao người nhưng thật kì diệu, thật đặc biệt và “không tưởng” với Ngát và Hoàng.
Đỗ Thị Anh Ngọc (giadinh.net)
Bình luận (0)