Học sinh Trường Tiểu học Đô Lương ra bờ kênh hóng mát sau giờ tan trường (ảnh chụp tại khu vực cầu số 8, đường Nhiêu Lộc, Q.3) |
Hơn 15 năm trước, khi nhắc đến dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NLTN), nhiều người thường nghĩ nơi đó là những khu nhà ổ chuột lụp xụp mọc ven kênh, nơi tập trung dân lao động nghèo, thất học. Đó là dòng kênh đen bị ô nhiễm nặng nề và là “vùng trũng” của các loại tệ nạn xã hội. Còn bây giờ, NLTN đã thật sự thay da đổi thịt…
Dòng kênh của một thời
Nhớ lại kênh NLTN của 20 năm về trước, ông Nguyễn Chí Hiếu, 70 tuổi (hiện đang sống ở số nhà 36, Trường Sa, P.17, Q. Bình Thạnh) giờ vẫn còn rùng mình: “Nước kênh nhuộm màu đen đặc quánh và bốc mùi hôi thối. Các căn nhà ổ chuột mọc san sát nhau khiến dòng kênh càng bị thu nhỏ dần. Sau giải phóng, dân tứ xứ đổ về đây dựng nhà để ở. Có nhiều gia đình sống ba, bốn đời trong những căn nhà chỉ 7-10m2. Nhiều người bị bệnh chết do sống trong môi trường bị ô nhiễm như thế, hoặc chết do các căn bệnh tệ nạn xã hội gây ra”. Ông Hiếu bảo, trước năm 1975 nước sông trong xanh, mỗi khi đi làm về ông thường xuyên nhảy xuống sông tắm, bắt cá. Sau này, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, rồi dần dần trở thành dòng kênh… chết.
Nắng chiều khuất bóng, cụ bà Nguyễn Thanh Tịnh (75 tuổi), ngồi ở ven kênh trên đường Hoàng Sa, khu chung cư Rạch Miễu (Q. Bình Thạnh) ngắm cảnh hoàng hôn, bồi hồi: “Ở đây trước kia là khu vực nhà cửa chằng chịt. Các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, đan xen nhau như mạng nhện. Có đoạn kênh chỉ còn là một cái rãnh thoát nước. Dưới dòng kênh thì trăm thứ được người dân đổ xuống vô tội vạ, thậm chí nhiều con nghiện “đói” thuốc hay mắc bệnh hiểm nghèo cũng tìm đến đây để kết thúc cuộc đời…”.
Hơn 10 năm trước, khu vực dòng kênh NLTN có hơn 11.000 gia đình sinh sống thuộc diện giải tỏa di dời. Do phần lớn những gia đình sinh sống ven kênh NLTN là dân nhập cư từ sau năm 1975 đến nên cuộc sống rất khó khăn. Nghề nghiệp của họ chủ yếu là lao động phổ thông, đạp xích lô, thu lượm ve chai… Vì vậy việc học hành của con em cư dân trên dòng kênh cũng bấp bênh, trầy trật. Nhiều gia đình từ đời này qua đời khác đều thất học, thậm chí có gia đình ba, bốn đời mù chữ vì quanh năm lo chuyện cơm áo. “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả gia đình tôi sống bám vào dòng kênh như một sự sống còn. Ngày đó chuyện cơm áo còn phải đắp đổi qua ngày thì lo chi đến việc học hành của con cái. Đến đời các cháu tôi bây giờ nhờ được TP bố trí nhà tái định cư nên cha mẹ chúng có điều kiện lo cho các cháu ăn học đường hoàng”, bà Tư Linh (đường Trường Sa – Q. Bình Thạnh) tâm sự.
Khu vực kênh NLTN khoảng 15 năm trước cũng từng được xem là “trung tâm” của “chợ” ma túy, mại dâm. “Trước kia, khi kênh NLTN còn ô nhiễm về cả nghĩa đen và lẫn nghĩa bóng: kim tiêm, ống chích thì vương vãi khắp hẻm; tội phạm ma túy lúc nào cũng ẩn hiện đâu đó ở các ngõ ngách… còn nay thì khu vực này đã “xanh, sạch, đẹp” rồi” – anh Minh Tâm, nhà ở khu vực Cống Bà Xếp cho biết.
Và… bây giờ
Dòng kênh trước kia là nỗi ám ảnh của người dân TP, nay đang đổi thay từng ngày (ảnh chụp đoạn tại P.17, Q. Bình Thạnh) |
“Đẹp quá, đổi thay lớn quá!”, đó là câu nhận xét của ông Trương Quang Thành, Việt kiều Úc, sau 15 năm trở lại quê nhà. Không phải ông Thành đi xa về mới ngạc nhiên như vậy mà ngay cả người dân sống ở đây cũng nhận thấy sự đổi thay đến kỳ diệu của dòng kênh như một câu chuyện cổ tích. Kênh NLTN hôm nay vào ban đêm, hệ thống đèn rọi sáng hai bên bờ, đường phố được nới rộng ra với những dãy nhà cao tầng…
Cô Hồ Thị Ngọc Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Đô Lương (Q.3), cho biết: “Hơn 10 năm trước, vào mùa mưa thầy cô giáo, học sinh phải băng qua những vũng nước bẩn từ cống thải ra để tới trường. Nước kênh vừa đen, vừa bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Bây giờ, học sinh vào lớp học với quần áo sạch sẽ, trắng tinh. Chiều chiều nhiều phụ huynh còn dắt các em học sinh ra bờ kênh hóng mát…”.
Từ năm 1985, bức xúc về một bộ phận người dân thành phố phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng trên tuyến kênh NLTN, ông Trương Tấn Sang (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư) lúc đó là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã bày tỏ quyết tâm của chính quyền thành phố về việc phải thực hiện ngay dự án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường suốt tuyến kênh NLTN. Tiếp đó qua nhiều nhiệm kỳ của các bí thư, chủ tịch UBND TP.HCM luôn dốc sức cho công trình này.
Những người trong cuộc kể về những tháng năm thực hiện chương trình cải tạo đã gặp vô vàn khó khăn, nhất là việc giải tỏa di dời. Nhiều người còn hoài nghi về sự thành công của dự án. Ông Trần Văn Bảy, đường Trường Sa, P. Đa Kao, Q.1, tâm sự: “Ngày giải tỏa, nhiều gia đình cũng có khiếu nại về giá đền bù chưa thỏa đáng, nhưng rồi mọi người cũng hiểu ra rằng, hi sinh một chút của bản thân để được cái lớn hơn nên ai cũng đồng tình”. Thấm thoắt đã hơn 10 năm bỏ kênh lên chung cư sống, ông Bảy vẫn nhớ như in căn nhà của ông ngày ấy nằm lọt thỏm giữa dòng kênh đen, hôi hám và sống chung với đủ các loại tệ nạn…
Vào những ngày cuối năm, cả nước đang nô nức chuẩn bị đón chào năm mới, người dân TP.HCM còn vui mừng tiếp nhận thêm một sự kiện lớn đó là dòng kênh NLTN đã “sống” lại như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Chắc chắn rằng vào một ngày không xa, kênh NLTN sẽ trở thành điểm du lịch của dân thành phố.
Văn Mạnh
Kênh NLTN là tuyến kênh cấp 1 trong hệ thống kênh rạch của thành phố nối dài năm quận: Q.1, Q. 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, có tổng chiều dài khoảng 9km; chức năng chính là tiêu thoát nước, điều hòa khí hậu, tôn tạo cảnh quan đô thị cho một lưu vực rộng 3.300 ha với số dân gần 100.000 người. |
Bình luận (0)