Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Cô tiên” của những trẻ em khiếm khuyết

Tạp Chí Giáo Dục

Rời bục giảng ở miền Tây lên Sài Gòn, tưởng chị tìm được một chỗ dạy tốt, nào ngờ bị "đẩy" vào dạy một lớp học chuyên biệt, toàn những đứa trẻ bị "đao", bại não, tăng động, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ…

Nhưng cô giáo trẻ Trần Thị Kim Lan (SN 1974, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3) đã bị các em cuốn hút, khiến chị không còn muốn tìm đến những "bến bờ" khác. Giờ đây, những đứa trẻ bị bệnh tật bẩm sinh này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
Cô Lan chăm sóc các em từng bữa ăn.
Tấm lòng yêu trẻ
Đến giờ trên đôi tay và cả trên khuôn mặt của chị vẫn còn hằn những vết sẹo do những cơn "thịnh nộ" của các cháu bị bệnh tăng động cấu xé từ 6 năm về trước. Đó là những ngày đầu tiên cô giáo Lan được tiếp xúc, giảng dạy những đứa trẻ đặc biệt này. Một lớp học với 30 học sinh khi thì nói nói, cười cười một mình, nhìn sự vật xung quanh bằng ánh mắt thẫn thờ rồi đột nhiên ngã nhào, khóc thét; có em hễ cầm đến sách vở là xé ra từng mảnh; có em không lúc nào chịu yên, vừa đánh bạn lại quay ra làm nũng…
Sự lộn xộn, ồn ào của lớp học có thể làm nản lòng nhiều giáo viên. Mặc dù đã có kinh nghiệm giảng dạy, nhưng để quản lý và giảng dạy một lớp học như thế chị chưa bao giờ gặp phải. Trong suy nghĩ của cô giáo Lan bắt đầu xuất hiện những câu hỏi, giảng dạy như thế nào để các cháu có thể hợp tác, làm thế nào để học sinh chậm phát triển có thể nắm bắt kiến thức…
Thế là chị đưa ra 3 nội dung chính để dạy các em, gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập và kỹ năng cuộc sống. Chị Lan tâm sự: Có lúc mình như một phù thủy, nhưng cũng có lúc như một bà tiên, phải biết hóa thân vào từng tình huống cụ thể. Điều quan trọng là biết quan tâm, hiểu, giúp đỡ thì các cháu sẽ tiến bộ. Ông bà xưa có câu "thầy giáo phải có cái tâm". Đối với những em bị bệnh tăng động hay đập phá, nổi nóng, những lúc ấy chị thường đứng từ xa quan sát, sau khi các em dịu lại mới tiến đến gần tiếp xúc và giãy bày những tâm sự, dần dần "tích tiểu thành đại" rồi đi vào tiềm thức, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.
Riêng những em bị bệnh đao, chậm phát triển trí tuệ… không thể cầm bút được, cô giáo Lan vẽ từng mẫu chữ, rồi cầm tay chỉ dẫn các em đồ đi đồ lại đến khi nào viết được chữ cái đó mới thôi. Vậy mà khi viết được rồi đến hôm sau có em lại quên mất, chị phải ghi lại em nào quên chữ nào để phụ đạo ngay sau giờ học hoặc vào giờ giáo dục cá nhân.
Mang đến nụ cười
Bằng tấm lòng của mình, chị đã đưa các em vượt qua mặc cảm bệnh tật, thích thú học tập, cố gắng phấn đấu để hòa nhập cùng các trẻ em khác. Ngày mới vào lớp hội nhập của cô giáo Lan, không ai nghĩ những đứa trẻ bị đao, tăng động, tự kỷ như Tuấn Kiệt, Quốc Hưng, Minh Vũ, Tuấn Anh… có thể ngồi được ở lớp học, chứ đừng nói gì đến chuyện học. Vậy mà qua bàn tay "nhào nặn" của cô Lan, các em đã dần dần tiến bộ rồi chuyển qua lớp học bình thường, giống như bao học sinh lành lặn khác.
Ngày cậu bé Tuấn Anh (8 tuổi) được đưa vào lớp học của cô giáo Lan, cả gia đình không ai tin rằng cháu sẽ có được như ngày hôm nay. Chị Oanh – mẹ Tuấn Anh cho biết, cháu bị bệnh đao từ lúc bẩm sinh, gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi, từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến các cơ sở dịch vụ khám điều trị khác nhưng vẫn không một chút chuyển biến nào. Vậy mà từ khi vào lớp học chuyên biệt do cô Lan phụ trách cháu đã thay đổi hoàn toàn.
Giờ đây cháu đã học đến lớp 2, có thể đọc, nói được, nhất là có thể nhớ và viết chữ tương đối rõ ràng. Để minh chứng cho điều đó, chị Oanh đưa chúng tôi xem cuốn vở ghi chép của Tuấn Anh và hỏi những câu hỏi thông thường về thầy cô, bạn bè cũ thì em đều nhớ và trả lời vanh vách. Niềm vui không thể nào diễn tả thành lời, chợt trong khóe mắt của chị trào ra những giọt nước mắt quá đỗi hạnh phúc. Một sự thật mà chúng tôi không tin vào mắt mình. Hạnh phúc của các em và gia đình cũng chính là hạnh phúc của cô giáo Lan. Ghi nhận những đóng góp của chị, TP đã trao tặng bằng khen: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Hồ Quang (Hà Nội mới)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)