Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô trò nhỏ “bén duyên” với nghệ thuật hàn lâm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bùi Vũ Nguyệt Minh chơi đàn cho bà ngoại nghe
Mới học lớp 5, nhưng cô bé Bùi Vũ Nguyệt Minh (học sinh Trường Tiểu học Á Châu) đã sớm thể hiện năng khiếu ở bộ môn nghệ thuật hàn lâm – chơi đàn Piano – khi sở hữu một bảng thành tích rất ấn tượng.
Tôi tìm đến nhà em tại khu chung cư nằm trên đường Tản Đà (Q.5, TP.HCM), lúc này Minh đang say sưa lướt mười đầu ngón tay bé nhỏ trên những phím đàn. Nhìn gương mặt tự tin của Minh, tôi không nghĩ em đang là học sinh tiểu học. Kể về con đường đến với bộ môn nghệ thuật hàn lâm này, Minh nói: “Nhiều lần được nghe âm thanh du dương phát ra từ nhà hàng xóm, em tò mò sang nhìn và biết âm thanh đó phát ra từ đĩa CD nhạc cổ điển; rồi sau những lần ngồi xem mẹ chơi đàn, em chạy lại gõ thử vào phím đàn. Lớn lên, em tình cờ xem một bộ phim âm nhạc đề cập về một cô bé chơi đàn rất hay, vậy là từ đó em cảm thấy mê đàn khi nào không hay”. Nhận thấy con mình đam mê và có năng khiếu nên chị Phạm Thanh Giang – mẹ của Minh – đã cho con tiếp xúc thường xuyên hơn với đàn Piano. Chị Giang kể, ban đầu chị để cho Minh gõ tự nhiên trên phím đàn, sau đó mới hướng dẫn em đọc những nốt nhạc qua hình vẽ minh họa. Hàng ngày, khi mẹ chơi đàn xong là Minh lại tập gõ vào phím đàn theo sự chỉ dẫn của mẹ. Năm học lớp 3, sau khi được mẹ và bà ngoại trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc cùng với nguồn gốc là “con nhà nòi” (ông ngoại là nhà văn, nhạc sĩ Phạm Khắc Vinh đã mất trong chiến tranh), Minh tự tin thi vào Nhạc viện TP.HCM chuyên ngành Piano (hệ trung cấp) và đã đậu với điểm số rất cao: 9,5 điểm. Trong hai năm học đầu, Minh sớm bộc lộ được khả năng cảm thụ nhạc cổ điển. Hàng ngày khi về nhà, em thường lên mạng tìm nghe những bản nhạc độc tấu Piano, rồi mày mò tập đánh lại theo kiểu đánh của mình. Nhận thấy cô học trò nhỏ có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực này, TS. Đặng Ngọc Giang Quân (Nhạc viện TP.HCM) đã hướng dẫn em thu một đĩa nhạc rồi gửi sang Nga tham dự cuộc thi “8th International Russian Rotary Children Music Competition”, kết quả là Minh đã xuất sắc nhận được chứng chỉ “Quality Performance” dành cho học sinh lứa tuổi 8-12. Đây là một cuộc thi có uy tín về đàn Piano trên thế giới nên khi đạt được chứng chỉ “Quality Performance” Minh và gia đình (cũng như nhạc viện) rất hãnh diện, bởi ở Việt Nam ít ai đạt được chứng chỉ này ở lứa tuổi 8-12.
Tiếp nối thành công đó, Minh tiếp tục chứng tỏ được khả năng thiên phú của mình khi giành được “Học bổng Đặng Thái Sơn” tại cuộc thi Piano quốc tế lần I tại Hà Nội (9-2010). Em cũng là thí sinh duy nhất được mời biểu diễn tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được Giám đốc Nhạc viện TP.HCM tặng giấy khen và là một trong 20 học sinh nhận học bổng “Vì hạt giống Việt”. Với những thành tích đó, Minh được Quỹ bảo trợ tài năng trẻ thuộc Thành đoàn TP.HCM tài trợ 10 triệu đồng. Minh cho biết số tiền trên em sẽ dùng để mua sách nhạc ngoại văn. Tôi hỏi: “Em thích chơi những bản nhạc gì?”. Minh tự tin trả lời: “Em thích chơi những bản nhạc của Moza vì rất du dương, còn nhạc Beethoven hay Sobanh cũng thích nhưng không nhiều vì quá sôi động”. Không chỉ giỏi về chơi đàn Piano, Minh chơi Violon, đàn tranh cũng rất hay.
 Vừa học văn hóa ở trường, vừa phải học nhạc tại nhạc viện, vì vậy em phải phân chia thời khóa biểu hợp lý để cân bằng hai bên. Chơi đàn giỏi, học cũng rất xuất sắc khi bốn năm liền Minh là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Á Châu. Đặc biệt em nói và đọc tiếng Anh rất lưu loát. Khi được hỏi về ước mơ ở bộ môn nghệ thuật này, Minh cho biết em không sợ sự cạnh tranh mà chỉ sợ không có cơ hội để cạnh tranh. “Em mong muốn lớn lên mình sẽ đạt được thành tích như chú Đặng Thái Sơn và sẽ là Đặng Thái Sơn thứ 2”, Minh tự tin nói.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Góc học tập của Minh toàn là những cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi và sách nhạc ngoại văn. Những lúc chơi đàn căng thẳng hoặc học tập mệt, em lại lấy chúng ra để đọc và nghiền ngẫm.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)