Để thay đổi phương pháp dạy học truyền thống cũng như thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đã có nhiều mô hình, ứng dụng học tập ra đời trên nền tảng công nghệ mới. Điều đặc biệt, tác giả của những mô hình, ứng dụng học tập trên… là học sinh.
Bảng tóm tắt hoạt động của mô hình Lớp học thông minh do học sinh Trường THCS Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) thiết kế
App học tiếng Anh hiệu quả
Đây là ứng dụng do nhóm học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM) thiết kế để tự học và luyện tập môn tiếng Anh – App Eclass, qua đó khắc phục những hạn chế mà người học thường mắc phải. Nhóm thiết kế App EClass cùng học lớp 11B2, gồm Phạm Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Hà Nhi và Nguyễn Thành Phương Trâm. Đại diện nhóm chia sẻ, người học tiếng Anh gặp những khó khăn phổ biến dẫn đến kết quả học tập chưa như mong muốn. Cụ thể là chưa có phương pháp học tập đúng cách, học trước quên sau, thiếu vốn từ vựng, phát âm sai, phản xạ chậm, nhất là ôn lại kiến thức sau mỗi chủ đề… Đối với giáo viên cũng khá vất vả, mất khá nhiều thời gian trong việc soạn bài, soạn đề và cho học sinh làm bài kiểm tra theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên, những hạn chế này có thể giải quyết được nếu biết lựa chọn phần mềm tự học phù hợp với năng lực.
App EClass được thiết kế theo hướng giúp người học chủ động lập kế hoạch và đặt ra mục tiêu học tập cho bản thân. Người học cũng có thể học mọi lúc, mọi nơi, cài đặt đơn giản, dễ sử dụng và hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt là App EClass giúp tăng khả năng kết nối, sau đó là tương tác giữa giáo viên và học sinh; đồng thời giúp giáo viên dễ dàng đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác nhất. Đây là phần mềm đoạt giải nhất bảng B khối THCS và THPT tại vòng chung kết cuộc thi Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục – DigiTrans Edtech 2022 do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao tổ chức. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá App EClass là phần mềm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đưa ra nhằm tìm kiếm và phát huy những ý tưởng chuyển đổi số có tính thực tiễn cao trong giáo dục tại Việt Nam. Đồng thời tạo ra sân chơi đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đối tượng học sinh, sinh viên trên cả nước.
Theo Nguyễn Ngọc Hà Nhi (thành viên của nhóm), từ những khó khăn thường gặp trong việc học tiếng Anh, với kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình MIT App Inventer mà nhóm được giáo viên môn tin học giới thiệu ở lớp 10 cũng như tự tìm tòi, phần mềm App EClass đã ra đời. Tuy nhiên, quá trình thiết kế App EClass (từ ý tưởng đến khi ra sản phẩm) không thể không nhắc đến đội ngũ chuyên gia công nghệ đã chia sẻ kiến thức tại các buổi tập huấn trong khuôn khổ cuộc thi DigiTrans Edtech 2022. Từ kiến thức nền tảng đó, nhóm tự tin hiện thực hóa ý tưởng tạo ra ứng dụng học tập App Eclass chạy trên hệ điều hành Android.
Mô hình Lớp học thông minh
Mô hình Lớp học thông minh (Smart Classroom) đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng mô hình Lớp học thông minh chưa được phổ biến do nặng chi phí mua, thuê mô hình của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Dù chưa được hoàn hảo về mọi mặt do điều kiện khách quan, song mô hình Lớp học thông minh do nhóm học sinh Kiều Nhi, Huỳnh Đức và Thành Vinh và cô giáo chủ nhiệm (Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TP.HCM) thiết kế cho thấy ở các em có niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo và kỹ năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới phục vụ giáo dục.
Ý tưởng mô hình Lớp học thông minh đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo xu hướng chuyển đổi số. Đồng thời xây dựng không gian học tập và giảng dạy hiện đại, xây dựng trường học an toàn, thông minh. Để thực hiện mô hình Lớp học thông minh, nhóm dành nhiều thời gian thiết kế, kiểm tra và sửa lỗi với sự hỗ trợ của giáo viên trong trường. Theo đó, nhóm đã nghiên cứu, ứng dụng OhstemApp – công cụ lập trình App thân thiện, dễ sử dụng với hệ thống thư viện mở rộng, đa dạng kết nối. Điểm nổi bật của mô hình Lớp học thông minh là ứng dụng công nghệ mới trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT) để vận hành phòng học thông minh nhằm tạo ra những kịch bản tự động hóa; dễ dàng điều khiển và kết nối giao tiếp giữa các thiết bị với nhau. Mô hình Lớp học thông minh điều khiển bằng nhiều cách như dùng remote, điều khiển tự động và bằng giọng nói. Điểm đặc biệt đáng chú ý của mô hình là ứng dụng tối đa công nghệ để có được nhiều tính năng thông minh. Cụ thể là có hệ thống báo động, lau bảng tự động, cửa thông minh, hệ thống quạt tự động, hệ thống theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ…
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)