Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Có trường ĐH quy mô không bằng… trường THPT

Tạp Chí Giáo Dục

“Chốt” các phương án tuyển sinh năm 2012, tổng hợp, phân tích tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH trong năm qua… là những nội dung quan trọng trong Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm rưỡi thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH-CĐ diễn ra ngày 29.10 tại 6 điểm cầu truyền hình trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị trực tuyến

Sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Thừa nhận công tác tuyển sinh năm 2011 vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết một số trường đã không nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh dẫn đến sai sót khi coi thi.
 

Có những trường mở tới 10 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên cơ hữu, mỗi ngành chỉ có 2-3 giảng viên, chưa bằng quy mô một trường THPT, thậm chí diện tích sử dụng trên một sinh viên chỉ có 0,9 m2, cơ sở vật chất hoàn toàn thuê mướn. (Bộ trưởng Phạm Vũ Luận)

Một số trường khác đã thông tin, quảng bá rầm rộ các biện pháp thu hút thí sinh trong xét tuyển thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội… Cá biệt có một số trường vi phạm công tác xét tuyển như tự ý chuyển thí sinh không trúng tuyển NV1 xuống các hệ đào tạo khác của trường, không cấp kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển vào các trường khác.
Thậm chí không ít trường vẫn gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Các sai phạm này mặc dù đã được xử lý kịp thời theo đúng quy chế tuyển sinh và Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động GD&ĐT nhưng được đánh giá là vẫn nghiêm trọng và có hệ thống từ nhiều năm qua.
Trước những ý kiến đa chiều của dư luận về phương án tuyển sinh “3 chung” đã được áp dụng từ nhiều năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu, bổ sung chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia…”.
Đồng thời, Bộ đã giao cho 2 ĐHQG và các ĐH trọng điểm chủ động nghiên cứu đề xuất phương án tự chủ tuyển sinh của mình. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH-CĐ, đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy.
Chất lượng nhiều trường không đảm bảo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, qua thanh tra một số trường cho thấy có những trường mở tới 10 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên cơ hữu, mỗi ngành chỉ có 2-3 giảng viên, chưa bằng quy mô một trường THPT, thậm chí diện tích sử dụng trên một sinh viên chỉ có 0,9 m2, cơ sở vật chất hoàn toàn thuê mướn.
Trong năm 2011, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc kiểm tra tại các trường ĐH Văn Hiến, trường CĐ Công nghệ thông tin, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, trường ĐHDL Đông Đô.
Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa đúng với cam kết. “Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết ở các mức thu hồi quyết định mở ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường”, ông Bùi Văn Ga khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, lần đầu tiên việc giải quyết đảm bảo phát triển cân đối giữa quy mô và chất lượng GDĐH đã được coi trọng, các cấp quản lý đã nhìn rõ nguy cơ và hạn chế được tốc độ gia tăng quy mô của GDĐH. Phó Thủ tướng dẫn chứng những con số thống kê cho thấy số lượng trường ĐH được thành lập ngày càng giảm.
Nếu giai đoạn 2006 – 2007, bình quân mỗi năm có 20 trường được thành lập thì giai đoạn từ năm 2008 đến nay, số trường thành lập mới đã giảm gần một nửa, trong đó rất ít trường được thành lập mới, mà chủ yếu nâng cấp từ các trường cao đẳng đã có đầy đủ cơ sở vật chất…
Phó Thủ tướng đề nghị, nên tổ chức thảo luận trong toàn ngành xung quanh vấn đề thực hiện quy hoạch nhân lực quốc gia gắn với việc tuyển sinh của các trường, đồng thời chuẩn bị tích cực các văn bản dưới Luật để khi Luật GDĐH được Quốc hội thông qua sẽ sớm được triển khai sâu rộng và hiệu quả…

Kiên quyết giảm chỉ tiêu hệ ĐH không chính quy
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, nhiều trường có công văn đề nghị được giữ nguyên chỉ tiêu hệ không chính quy nhưng Bộ kiên quyết giảm. Theo đó năm 2012, chỉ tiêu hệ không chính quy chỉ bằng khoảng 60% của hệ chính quy. Được biết năm 2010, chỉ tiêu hệ không chính quy bằng khoảng 80% của hệ chính quy.

Theo Quốc Hùng
(VH)

Bình luận (0)