Không ước mơ, thiếu đam mê, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình… đã ảnh hưởng đến quá trình học tập khi vào ĐH. Kết quả, một số sinh viên đã bỏ ngang ngành học, hoặc không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
ThS. tâm lý Tô Nhi A đang giao lưu với các em học sinh |
Vấn đề này được các chuyên gia tư vấn nhấn mạnh trong chương trình kỹ năng “Chắp cánh ước mơ” diễn ra ngày 6-2 tại Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM và Trường ĐH FPT phối hợp tổ chức.
Hiện thực hóa ước mơ bằng hành động
Học lớp 10C1, Trà Linh có ước mơ sau này trở thành một nhà khoa học. Sản phẩm em muốn phát minh đó là một ván trượt có thể bay trên không, thay vì di chuyển trên mặt đất như hiện tại. Trong khi đó, Duy Tường (học chung lớp với Trà Linh) lại không có ước mơ cụ thể, chỉ mong muốn sau này là một người thành đạt nhưng ở lĩnh vực nào thì bản thân em cũng chưa biết. Duy Tường cho rằng, hiện tại còn quá sớm để thể hiện ước mơ, hơn nữa lực học cũng bình thường khiến em không biết sau này sẽ theo đuổi ngành nghề nào cho phù hợp.
Trước những chia sẻ trên, ThS. Lê Bình Trung (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH FPT) nhận định, ngay từ bây giờ nếu có ước mơ thì trong thời gian rất sớm, các em sẽ biết rõ mục tiêu ngành nghề, trường học mà bản thân muốn theo học. Từ đó dễ dàng vạch ra các kế hoạch để thực hiện mục tiêu.
ThS. Trung dẫn chứng trường hợp của sinh viên Đồng Thị Hồng Thắm (ngành kỹ thuật phần mềm Trường ĐH FPT): mặc dù còn 6 tháng nữa mới tốt nghiệp nhưng Thắm đã xuất sắc trúng tuyển vào Công ty Bigtreet (Bigtreet Technology and Consuting, Nhật Bản) với mức lương khởi điểm 3.000 USD. Để đạt được thành quả này là nhờ sự nỗ lực học tập, rèn luyện của bản thân Thắm thông qua các kế hoạch cụ thể. Nhưng hơn hết là Thắm theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư kỹ thuật phần mềm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông mặc dù xưa nay lĩnh vực này chỉ dành cho nam giới.
“Đối với các em học sinh, nên có những ước mơ, hoài bão, đồng thời vạch ra kế hoạch cụ thể, quyết tâm thực hiện để hiện thực hóa ước mơ. Bởi nếu chỉ ước mơ mà không hành động thì chỉ là ước mơ viển vông”, ThS. Trung nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ThS. tâm lý Tô Nhi A (Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM) cho biết: “Bước vào bậc THPT, các em học sinh không định hình được ước mơ cũng như không xác định được tương lai bản thân sẽ làm công việc, ngành nghề gì là có. Xuất phát từ lực học trung bình, hoặc bản thân mơ hồ về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích… Nếu vướng vào tình huống này, các em nên tham gia làm các bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp, qua đó khám phá những tố chất tiềm tàng, nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu, kết hợp với sự tư vấn từ bạn bè, người thân, thầy cô để sớm tìm được ngành nghề phù hợp với bản thân”.
Năm 2016: khoảng 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Đây là con số mà ThS. Lê Bình Trung đã thông tin tại chương trình. Nguyên nhân khiến cho nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là vì không đáp ứng được yêu cầu công việc mà doanh nghiệp đưa ra. Trong xu thế hội nhập, nhân lực Việt Nam có thể ra nước ngoài lao động và ngược lại đòi hỏi nguồn nhân lực phải có tác phong công nghiệp, năng động, giỏi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, có tính kỷ luật, khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt (tối thiểu là tiếng Anh)… nhưng nhiều cử nhân, thạc sĩ lại không đáp ứng được. ThS. Trung cho biết: “Một phần do chương trình đào tạo tại một số trường còn hàn lâm, nghiêng về lý thuyết, thiếu thực hành. Một phần do bản thân người học không có tinh thần tự giác rèn luyện. Nhiều sinh viên chỉ học làm sao để qua được môn chứ không xác định mình học được gì từ các môn học để làm việc. Tuy nhiên việc lựa chọn ngành nghề không đúng với năng lực, đam mê, hoàn cảnh gia đình… cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên”.
Mời tham gia cuộc thi Chắp cánh ước mơ, chủ đề “Ước mơ của tôi” Nhằm hỗ trợ học sinh THPT trong việc xác định và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp trong tương lai; khơi dậy niềm đam mê và phấn đấu của các em trong quá trình học tập; qua đó giúp các em có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề, có nhận thức đúng đắn trong việc chọn ngành nghề cũng như xác lập mục tiêu, hoạch định tương lai nghề nghiệp của bản thân. Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH FPT tổ chức cuộc thi Chắp cánh ước mơ lần 1 năm học 2016-2017 với chủ đề “Ước mơ của tôi”. Thể lệ cuộc thi như sau: I. Đối tượng tham gia: Học sinh THPT và học viên trung tâm GDTX (từ lớp 10 đến lớp 12) trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. II. Thời gian tổ chức: Từ ngày 8-2-2017 đến ngày 8-4-2017. III. Nội dung: Mỗi thí sinh viết 1 bài luận, có độ dài tối đa 1.000 từ, tập trung vào những chủ đề sau: Tạo động lực học tập và bí quyết lập mục tiêu cuộc đời; Phát triển đam mê của bản thân; Sống và khát vọng; Tuổi trẻ và khởi nghiệp; Thành công đến từ sự quyết tâm; Đánh thức giấc mơ của bạn. Những bài viết hay (bài có ước mơ rõ ràng, cách thức trình bày mạch lạc, thu hút, sáng tạo) sẽ được Ban tổ chức chọn đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM. Bài dự thi gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.edu.vn (tiêu đề ghi rõ bài tham dự cuộc thi Chắp cánh ước mơ lần 1 năm học 2016-2017); tantruc_tg@yahoo. com. Lưu ý: Thí sinh phải ghi đầy đủ họ tên, lớp/trường đang theo học; thí sinh phải chịu trách nhiệm về bài viết của mình, không được sao chép bài dự thi từ các nguồn khác như trên mạng, trên báo… IV. Khen thưởng: 1 giải nhất, trị giá 5 triệu đồng (kèm giấy khen của Báo Giáo dục TP.HCM); 1 giải nhì, trị giá 3 triệu đồng (kèm giấy khen của Báo Giáo dục TP.HCM); 1 giải ba, trị giá 2 triệu đồng (kèm giấy khen của Báo Giáo dục TP.HCM); 20 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 500 ngàn đồng. V. Quy định khác: Trong quá trình diễn ra cuộc thi, nếu có thay đổi về thể lệ hoặc những phát sinh khác, Ban tổ chức sẽ thông tin chính thức trên báo. Ban tổ chức |
ThS. tâm lý Tô Nhi A cũng cho biết, có 5-10% sinh viên năm 2, năm 3 nhiều trường ĐH do bà giảng dạy đã bỏ ngang ngành học. Nguyên nhân do lựa chọn ngành nghề theo sự hào nhoáng, độ hot mà không xem xét ngành nghề đó liệu có đúng với năng lực, đam mê, hoàn cảnh gia đình… hay chưa.
“Việc chọn sai ngành nghề, trường học ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian và dẫn đến khủng hoảng thất nghiệp. Để tránh thực trạng này, trong quá trình chọn ngành nghề, ngoài yêu thích, phù hợp với năng lực thì người chọn cần phải xem xét kỹ nội dung đào tạo, trường đào tạo, nhu cầu xã hội và có phù hợp với tài chính của gia đình không. Xem xét toàn diện sẽ giúp người học chọn được đúng ngành nghề và phù hợp với bản thân hơn”, ThS. Tô Nhi A khuyên.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)